Không phải những gì thuộc về truyền thống đều lạc hậu, nét đẹp trong văn hóa đọc báo giấy vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ và thường xuyên được củng cố. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, từ thủa sơ khai ban đầu của báo chí cách mạng Việt Nam cho đến ngày nay báo chí luôn đồng hành cùng công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Có lẽ cũng từ lịch sử đó, báo giấy vẫn là phương pháp, là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy đối với độc giả.
Ngày nay nhiều độc giả vẫn giữ được thói quen đọc báo giấy hàng ngày, họ thường dành nhiều giờ để xem nội dung các ấn phẩm, đọc báo trên giấy ít bị mỏi mắt và lâu quên bởi người đọc có thêm thời gian nghiền ngẫm qua từng dòng chữ. Trong khi đối với độc giả truy cập vào các nền tảng báo mạng thông thường vào một trang web, mạng xã hội chỉ ở lại trong vòng vài phút, vì có quá nhiều thông tin, quá nhiều lượt chọn.
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: công nghệ phát triển, mọi thứ trong cuộc sống đều diễn ra nhanh, con người cảm thấy thời gian ngày càng ít ỏi. Bên cạnh đó nhiều phương tiện truyền thông mới xuất hiện, khiến cho văn hóa đọc trên báo giấy truyền thống mặc dù có hàng ngàn năm nhưng có nguy cơ không còn nữa. Điều này được dự báo và có từ lâu, tuy nhiên trên thực tế phát triển thì rõ ràng không hẳn như thế. Đúng là số lượng có thể giảm đi nhưng rõ ràng không gì thay thế được một tờ báo giấy hay một cuốn sách. Bởi vì ta phải nghĩ đến cả giá trị vật thể của nó nữa. Hiện nay ở bất cứ đâu, trong nhà, bàn làm việc, nơi công cộng báo giấy vẫn luôn hiện hữu như một nhu cầu quan trọng.
Trong xu thế mọi người, mọi nhà sử dụng công nghệ để tiếp cận thông tin nhanh nhất, thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân trung thành với báo giấy. Việc duy trì thói quen sử dụng báo giấy để nắm bắt thông tin giúp họ không bị lệ thuộc vào công nghệ, không bị mặt trái của công nghệ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Rõ ràng là người ta vẫn có nhu cầu như thế như đời sống con người. Đọc báo giấy có hiệu ứng riêng, nó khác với đọc trên mạng chủ yếu là lấy thông tin, nhưng đọc báo giấy hay sách ở trong đó có cả một cảm hứng. Tôi nghĩ một người cầm một tờ báo giấy sẽ có dáng vẻ sang trọng hơn là những người chỉ cắm mặt vào điện thoại, đọc báo giấy hay đọc sách là thứ không thay thế” nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Dịp đầu năm ở Hội Báo xuân Hội Báo toàn quốc đối với mỗi người trong chúng ta đều đón chờ dịp này. Như một chu kỳ thời gian, cứ dịp này công chúng mong muốn được tiếp cận với những hiểu biết, những thông tin về kinh tế xã hội về một năm qua. Thực tế những ấn phẩm báo Tết, báo Xuân các tờ báo cũng đầu tư về công sức, đầu tư về trí tuệ nhiều hơn nên chất lượng bao giờ chất lượng nó cao hơn và chắc chắn cách in ấn cũng đẹp hơn. Chính vì thế nhiều người tham gia hội Hội Báo xuân hay Hội Báo toàn quốc thành một thói quen hàng năm, thành tập quán không dễ bỏ”.
Qua mỗi năm, Hội Báo xuân, Hội Báo toàn quốc được tổ chức với đầy đủ các loại hình báo chí, gồm: báo in, báo điện tử, sách, ảnh nghệ thuật, ảnh thời sự của các cơ quan báo chí cả nước. Đây dần là hoạt động văn hóa tinh thần, thành nét đẹp truyền thống hằng năm của báo chí cả nước. Sự kiện còn thu hút sự quan tâm của công chúng, góp phần khích lệ tinh thần, động viên các tầng lớp nhân dân và đội ngũ những người làm báo đón một mùa xuân mới ấm áp, tươi vui.
Cứ thế qua nhiều năm, Hội Báo xuân hay Hội Báo toàn quốc dần trở thành một hoạt động không thể thiếu, nơi quy tụ các sản phẩm tinh thần, các tờ báo Xuân được giới thiệu, người ta có cơ hội ngồi so sánh, hiểu thêm những nét độc đáo của từng tòa soạn. Cùng nhau “chấm điểm” từ nội dung hình thức của các tờ báo Xuân, báo Tết, những bình luận, nhận xét sẽ là nguồn động lực để các tòa soạn tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí của cơ quan đơn vị mình.
Hội báo Xuân là dịp biểu dương những thành quả đổi mới của báo chí cả nước, là nơi giao lưu gặp gỡ của những người làm báo với đông đảo bạn đọc và khán, thính giả phát thanh, truyền hình. Dịp gắn kết báo chí với cấp ủy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ các sản phẩm báo chí đầy tâm huyết, sáng tạo và hấp dẫn của những người làm báo trong suốt một năm qua.
Không chỉ dừng lại ở Hội báo, khi kết thúc các chương trình ban tổ chức thường trao tặng các ấn phẩm báo chí, báo Xuân đến các thư viện, nhà văn hóa vùng sâu, vùng xa và chiến sĩ biên phòng làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo. Từ đó giúp lan tỏa những giá trị truyền thống văn hóa đọc báo giấy đến đông đảo công chúng hơn.