Mảnh đất thờ tổ nghề chạm bạc cổ truyền
Từ lâu nay, làng Đồng Xâm đã có lệ mở hội vào dịp cuối tháng 3 đầu tháng 4 Âm lịch hàng năm, lịch chính vào các ngày mùng 1, 2, 3 tháng Tư Âm lịch. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các sản phẩm chạm bạc của làng cũng được trưng bày và bán làm đồ lưu niệm cho du khách để giới thiệu và quảng bá thêm về nghề truyền thống của người dân nơi đây. Đặc biệt lễ hội là dịp để các phường bạc ở khắp nơi về tế tổ nghề Kim hoàn Nguyễn Kim Lâu.
Theo phóng viên báo Nhà báo và Công luận ghi nhận chiều 8/5, Quần thể di tích Đền Đồng Xâm có quy mô hoành tráng và rộng lớn gồm Đền Đồng Xâm và Đền Tổ cùng hệ thống Đền chùa nằm ké sông Vông. Theo người dân nơi đây, Đền Đồng Xâm hiện thờ Triệu Vũ Đến và Trình Thị Hoàng Hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế). Đền Tổ thờ Nguyễn Kim Lâu (vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền). Đền thờ Tổ được xây dựng từ rất sớm, năm 1938 tiến hành đại tu, trong dịp này phường bạc Đồng Xâm tiên cúng vào Đền một bộ sưu tập bằng vàng bạc gồm: Đỉnh Bạc, ống hoa bạc, hạc bạc, chúc bản bằng bạc có gắn rồng bằng vàng rồng…
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm được hình thành từ năm 1428 đến nay đã hơn 600 năm trải qua bao thăng trầm. Nhưng làng nghề chạm bạc truyền thống này vẫn được bảo tồn và phát triển đến tận ngày nay. Năm 2010 xã được Bộ VHTT&DL công nhận làng nghề và được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cấp bằng chứng nhận là 1 trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc. Thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã dùng sản phẩm của làng nghề xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Tây Âu nên từ lâu tiếng của Đồng Xâm đã vang dội sang các nước trên toàn thế giới.
Đặc biệt, làng nghề luôn tạo việc làm cho người dân, mở rộng phát triển sang hai xã bên cạnh là Lê Lợi và Trà Giang, hình thành một vùng nghề rộng lớn chạy dài 6km tạo việc làm cho trên 5.000 lao động với trên 3.000 tổ sản xuất, đem lại nguồn thu nhập đủ trang trải cuộc sống cho người dân. Điều đặc biệt là bất kỳ sản phẩm gì, chất liệu gì người Đồng Xâm cũng có thể làm được từ vàng, bạc, đồng đều làm theo nhu cầu của thị trường, do đó sản phẩm làng nghề rất đa dạng. Từ các mặt hàng phục vụ thị trường nội địa như hàng trang sức, hàng phục vụ cho đạo Phật, Công giáo thì còn chạm trổ những bức tranh tranh danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước.
Để làm ra một sản phẩm chạm bạc cần rất nhiều công đoạn, trong đó khó nhất là khâu chạm trổ. Khâu này được những nghệ nhân làng Đồng Xâm ví như người viết chữ đẹp, chữ xấu nên mỗi người thợ phải có tư duy, óc thẩm mỹ, đôi tay tài hoa, khéo léo, đôi mắt tinh anh thì mới cho ra được sản phẩm đẹp. Ngoài ra, mỗi người thợ phải cần cù, chịu khó, kiên trì… thì mới làm được. Bởi vậy, thợ ký thuật rất ít và người thợ kỹ thuật giỏi thường làm được 4 mặt: Trơn, Đấu, Đậu, Chạm.
Ghi dấu ấn với những sản phẩm kim hoàn độc đáo
Đến nay, các thợ làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã ghi dấu bàn tay của mình ở các đình, chùa lớn trong cả nước như Bái Đính, Tam Chúc… Bên cạnh đó, làng Đồng Xâm cũng vinh dự có 8 nghệ nhân ngành kim hoàn được Chủ tịch nước vinh danh. Đặc biệt, dân làng Đồng Xâm còn lưu giữ được những sản phẩm thể hiện tài năng trí tuệ và sự khéo léo của những người thợ lớp trước như: Bộ lư đỉnh bằng bạc, tranh Xuân, Hạ, Thu, Đông… Bởi vậy, những khách chơi hàng thủ công mỹ nghệ đều đánh giá thợ Đồng Xâm có tay nghề cao, hàng bạc tại đây có dáng thanh thoát, chạm trổ tinh xảo, đường vé ve nét búa chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ có độ chênh bong cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khó tính nhất.
Trong chương trình hỗ trợ phát triển “Tài sản trí tuệ Việt” năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ cục sở hữu trí tuệ Việt Nam đã trao Logo thương hiệu cho làng nghề Chạm bạc Đồng Xâm để thể hiện dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề chạm bạc Đồng Xâm”. Hiện nay sản phẩm chạm bạc là sản phẩm OCOP của xã Hồng Thái.
Đặc biệt hơn nữa, để giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa, lễ hội của làng Đồng Xâm nói riêng và văn hóa, lịch sử về cội nguồn dân tộc nói chung, mới đây, một nhóm nghiên cứu Di sản văn hóa có tên “Đền Miếu Việt” đã cho xuất bản cuốn sách với tên gọi Long Hưng Triệu Vũ Đế Tư liệu và luận giải (NXB Lao Động). Cuốn sách này như một cuốn từ điển giải nghĩa cho tất cả những khúc mắc mà thế hệ trẻ ngày nay chưa hiểu rõ về Đền Đồng Xâm – nơi hiện đang thời vị tổ nghề của ngành Kim Hoàn Nguyễn Kim Lâu. Đặc biệt, cuốn sách giúp độc giả hiểu hơn về nguồn cội của loài người chúng ta và biết ơn “nhận mặt” cha ông, ý thức mình là một sự tiếp nối và biết ơn giữ lòng kính ngưỡng, tri tạ tới bậc tiền nhân đi trước.
Ngoài ra, cuốn sách cũng là tâm huyết của nhóm tác giả sau một chặng đường dài khảo cứu và phân tích, đối chiếu cũng như điền dã thực tế. Nội dung căn bản của cuốn sách được chia thành bốn phần chính: Phần thứ nhất là một số khơi gợi về Những nỗi oan của Triệu Đà, Cổ Loa thành trên Lạc quốc; Phần thứ 2 nhóm tác giả sử dụng tư liệu tại di tích Đền Đồng Xâm và những tư liệu có được trong quá tình truy tầm để phục dựng lại những chặng đường lịch sử “kiến xương cơ” của Triệu Vũ Đến kể từ vùng đất Chân Định cho tới Vũ Ninh, Long Biên…
Trong phần ba, cuốn sách giới thiệu sơ bộ các di tích theo từng vùng và danh mục tổng hợp các di tích thờ các vua Triệu. Trong phần cuối cùng, cuốn sách công bố các bản chụp tư liệu Hán Nôm gốc đã được trực tiếp thu thập từ các di tích và trong các thư viện quốc gia, bao gồm 10 bản ngọc phả và bản chụp những bài ca trù tại đền Đồng Xâm… Cuối cùng, cuốn sách như nén nhang kính cẩn thắp lên trước anh linh vị Đế vương khai cơ Nam Việt, cũng là bậc “hùng tài” của dân tộc và là đấng “hiền quân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói.
Hiện tại, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã và đang ngày một phát triển, tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ kim hoàn mang nét đẹp riêng để nghề truyền thống tiếp tục vang danh gần xa, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong vùng. Đặc biệt hơn, mỗi du khách thập phương có dịp ghé qua làng Đồng Xâm thì sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm Kim hoàn độc đáo được chế tác điêu luyện, cũng là dịp để gặp gỡ, chia sẻ những câu chuyện hay với người dân vùng ven biển rất hiếu khách và giàu tình người.
Đền Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận là Di tích lịch sử – Văn hóa Quốc gia theo Quyết định số 1214/VHQĐ ngày 30/10/1990 (thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật). |
Nguồn: https://www.congluan.vn/dong-xam-thai-binh-noi-tinh-hoa-lang-nghe-cham-bac-thu-cong-noi-tieng-vung-ven-bien-post294693.html