Tại trung tâm thủ đô Seoul (Hàn Quốc) có một con phố mà mọi nhãn hiệu quốc tế đều phải phiên âm tên bằng tiếng Hàn (Hangul).
Quán cà phê Starbucks được phiên âm bằng tiếng Hàn tại khu phố Insadong. Ảnh: andie4ua/Reddit. |
Trên thế giới, nhiều quốc gia có những văn hóa, truyền thống khác biệt. Để chiều lòng, những thương hiệu nổi tiếng như Starbucks hay McDonald’s đã phải nhập gia tùy tục theo văn hóa của địa phương.
Phiên âm tên theo bảng chữ cái địa phương
Insadong là một con phố nằm giữa lòng thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Trước đây, khu phố này là nơi ở của các quan chức triều đình. Hiện tại, tuyến đường này đã trở nên nổi tiếng với nhiều du khách bởi vẻ đẹp hòa trộn giữa nét truyền thông lẫn nét hiện đại.
Năm 1987, chính phủ Hàn Quốc công nhận Insadong là một tài sản văn hóa đặc biệt, cần được bảo tồn. Lúc này, những hoạt động kinh doanh tại khu phố cổ này bị hạn chế.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2001, những cửa hàng kinh doanh bắt đầu được phép xuất hiện tại Insadong với những cái tên thuần Hàn.
Dù là những thương hiệu lớn, Starbucks và McDonald’s đều phải phiên âm tên gọi khi đặt chân vào khu phố Insadong. Ảnh: Hawke Backpacking. |
Starbucks là nhãn hiệu quốc tế xuất hiện sớm nhất. Hãng này đã phải nhập gia tùy tục, tuân theo quy định của khu phố là phiên âm tên gọi bằng tiếng Hàn (Hangul).
Khi mở cửa hàng ở Insadong, đây là cửa hàng Starbucks đầu tiên trên thế giới có biển hiệu không phải chữ Latinh. Ngoài Starbucks, một nhãn hiệu nổi tiếng khác là McDonald’s cũng phải tuân thủ theo quy tắc này.
Theo bà Moon Ji Yeon, một chuyên gia văn hóa Hàn Quốc, việc chấp nhận phiên âm tên gọi là một cách các thương hiệu quốc tế tôn trọng văn hóa của Hàn Quốc, đặc biệt là với chữ Hangul.
“Phiên âm tiếng Hàn là cách nhãn hiệu thể hiện lòng tôn trọng của họ với người Hàn. Đây cũng là cách Hàn Quốc tôn vinh chữ Hangul tại con phố có tuổi đời hơn 500 năm”, bà Ji Yeon chia sẻ.
Những lần các ông lớn thay đổi
Tại Australia, chuỗi thức ăn nhanh toàn cầu McDonald’s thay đổi bảng hiệu của hãng thành Macca’s. Đây là biệt danh mà hơn 55% người dân địa phương gọi tên thương hiệu này.
Australia là quốc gia duy nhất trên thế giới gọi McDonald’s là Macca’s. Ảnh: Karn G. Bulsuk. |
Ông Mark Lollback, giám đốc tiếp thị của McDonald’s tại Australia, cho biết: “Còn cách nào tốt hơn để cho người dân thấy hãng tự hào như thế nào khi là một phần của cộng đồng bằng việc thay đổi biển hiệu cửa hàng thành tên mà người dân đã đặt cho thương hiệu”.
Đây là chiến dịch của McDonald’s nhằm tri ân người tiêu dùng tại đất nước chuột túi vào năm 2013. Australia là quốc gia duy nhất trên thế giới gọi McDonald’s là Macca’s.
Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này cho biết cái tên Macca’s đã phản ánh vị trí quan trọng của họ ở Australia, nơi có xu hướng đặt những biệt danh vui nhộn.
Trung Đông là một trong những thị trường tiềm năng với nhiều công ty thực phẩm. Dẫu vậy nơi đây lại có những văn hóa rất khác biệt và nhạy cảm.
Starbucks có được sự yêu mến tại Trung Đông, nơi họ đang có hơn 600 cửa hàng. Theo Globalization Partners, thương hiệu đến từ thành phố Seattle (Mỹ) đã thành công nhờ vào chiến lược bản địa hóa.
Starbucks đã thành công tại thị trường Trung Đông nhờ chiến dịch bản địa hóa. Ảnh: IstiZada. |
Cụ thể, hãng này đã dịch toàn bộ thực đơn của họ sang tiếng Ả Rập. Họ còn đưa các món đặc sản Trung Đông như halloumi (bánh mì nướng) hoặc zaatar (gia vị đặc trưng của vùng Trung Đông) vào thực đơn.
Bên cạnh đó, khi triển khai cung cấp rượu tại các cửa hàng trên thế giới, Starbucks đã khôn khéo chọn không đưa nó vào các địa điểm tại Trung Đông, nơi sử dụng đồ uống có cồn có thể bị cấm.
McDonald’s cũng đạt nhiều thành công tại thị trường Trung Đông nhờ vào việc nhập gia tùy tục.
Hãng thức ăn nhanh này đã loại bỏ tất cả món làm từ thịt lợn, loại thực phẩm bị cấm trong đạo Hồi. Ngoài ra, họ cũng thay các loại thức uống làm từ sữa động vật sang các loại sữa hạt.
Nhiều người nhận xét rằng thực đơn của McDonald’s tại Trung Đông còn ấn tượng hơn tại Mỹ. Ảnh: McDonald’s. |
Thực đơn tại các nước Trung Đông cũng có nhiều sự khác biệt so với tại Mỹ hay châu Âu. McDonald’s đã biến tấu những món ăn địa phương như shawarma (bánh mì cuộn thịt), falafel (đậu viên rán) vào thực đơn của mình.
Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Gary Arndt cho biết rất ấn tượng với cách McDonald’s sáng tạo ra những món ăn dựa trên văn hóa Ả Rập. McArabia là món ưa thích nhất của ông tại Trung Đông.
“McDonald’s hay các thương hiệu lớn luôn biết cách để tồn tại dù bất kể họ ở đâu. Họ biết cách làm thế nào để phù hợp với một quốc gia cụ thể. Đó là một điều mà chúng ta nên học hỏi”, ông Gary chia sẻ thêm.
Là một trong những quốc gia lớn nhất thế giới, Mỹ sở hữu vô số điểm đến thú vị, đầy sự khác biệt. Zing giới thiệu đến độc giả loạt sách về đất nước rất được quan tâm này.