Nam bệnh nhân, 52 tuổi, không có dấu hiệu bất thường, nội soi tiêu hóa khi khám sức khỏe bất ngờ phát hiện hai khối u ác tính ở thực quản.
Tin mới y tế ngày 11/11: Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm u thực quản ác tính
Nam bệnh nhân, 52 tuổi, không có dấu hiệu bất thường, nội soi tiêu hóa khi khám sức khỏe bất ngờ phát hiện hai khối u ác tính ở thực quản.
Khám sức khỏe phát hiện u thực quản ác tính
Nội soi tiêu hóa bằng máy nội soi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại bệnh viện cho thấy bệnh nhân có hai khối u ở vị trí 1/3 trên và 1/3 giữa thực quản. Kết quả sinh thiết mô xác định ung thư biểu mô tế bào vảy, còn gọi là ung thư biểu mô tế bào gai.
Các bác sỹ đang thực hiện nội soi cho bệnh nhân. |
TS.Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, ở giai đoạn sớm, triệu chứng ung thư biểu mô tế bào vảy gần như không có hoặc không rõ ràng nên người bệnh dễ chủ quan. Đây là bệnh lý ác tính nguy hiểm, tiến triển nhanh nên cần can thiệp càng sớm càng tốt.
Khối ung thư biểu mô tế bào vảy của ông Phương xuất phát từ tế bào dạng biểu bì ở thành thực quản (giai đoạn sớm), cần can thiệp nội soi cắt tách dưới niêm mạc thực quản (Endoscopic Submucosal Dissection – ESD) nhằm bảo tồn thực quản, đồng thời triệt căn tế bào ung thư.
Triệu chứng ung thư thực quản điển hình như nuốt nghẹn, nuốt khó, sụt cân, đau tức vùng ngực sau xương ức khi nuốt, nôn, tăng tiết nước bọt…
Theo bác sỹ Hùng, khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh sớm rất quan trọng. Lý do là điều trị ung thư thực quản giai đoạn muộn khó khăn, phẫu thuật mất nhiều thời gian với cắt toàn bộ thực quản kèm nạo hạch 2 hoặc 3 vùng với nhiều nguy cơ tai biến, biến chứng phẫu thuật.
Nhiều trường hợp phải kết hợp với điều trị đa mô thức như hóa trị, xạ trị, giảm nhẹ. Hiệu quả thường giới hạn, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt khoảng 5%. Với trường như ông Phương nếu phát hiện muộn hơn cũng không thể phẫu thuật cắt triệt để với 2 vị trí u như vầy.
Thống kê của Hiệp hội ung thư thế giới cho thấy, ở Việt Nam, năm 2020 có 3.281 ca mắc ung thư thực quản mới, 3.080 ca tử vong mỗi năm, được xếp thứ 9 về ca tử vong do bệnh ung thư, bệnh thường gặp ở nam giới.
Con số này vẫn không ngừng gia tăng. Nội soi đường tiêu hóa được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong việc phát hiện sớm bệnh lý nguy hiểm này.
Nấm mọc toàn thân do tự điều trị mẩn ngứa
Bệnh nhân nam 17 tuổi, xuất hiện tổn thương dát, mảng đỏ toàn thân kèm ngứa nhiều, tự điều trị bằng thuốc bôi mua trên mạng, kết quả xét nghiệm nhiễm nấm.
Bệnh diễn biến 2 năm nay, ban đầu tổn thương xuất hiện dát, mảng đỏ hình tròn, ngứa ở tay 2 bên. Bệnh nhân đi khám nhiều lần ở bệnh viện tuyến huyện, điều trị thuốc bôi, uống nấm, tổn thương có đỡ nhưng tái phát từng đợt.
Một năm nay, bệnh nhân tự điều trị thuốc bôi không rõ loại kèm theo thuốc mua trên mạng về dùng (không nhãn mác, không rõ thành phần), tổn thương lan rộng toàn thân.
Khi tới khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân có các dát, mảng đỏ hình tròn, hình đa cung ở thân mình, tay, chân, có vảy da, lan rộng ra xung quanh; có sẩn đỏ, mụn mủ vùng ngực, lưng.
Bác sỹ chỉ định làm một số xét nghiệm như soi tươi tìm sợi nấm có phát hiện các sợi nấm chia đốt trên nền tế bào sừng. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm nấm da toàn thân.
Sau 5 ngày điều trị, tổn thương da cải thiện, bệnh nhân được kế đơn thuốc điều trị tại nhà và hướng dẫn chế độ sinh hoạt, vệ sinh phù hợp để hạn chế tái phát.
Theo bác sỹ của Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh da do nấm sợi (dermatophytes) là tình trạng nhiễm nấm nông ngoài da, bao gồm nấm thân, nấm mặt, nấm bẹn, nấm bàn tay, nấm bàn chân.
Yếu tố nguy cơ chủ yếu liên quan đến nuôi hoặc tiếp xúc với động vật; thể trạng béo và ra nhiều mồ hôi; sử dụng xà phòng có chứa alkaline; thường xuyên đi giày, sử dụng bồn tắm hoặc bể bơi công cộng.
Tổn thương cơ bản là dát, mảng đỏ hình tròn hay hình đa cung, có vảy da, xu hướng lành giữa, lan rộng ra xung quanh và ngứa nhiều. Bệnh đáp ứng tốt với điều trị, nhưng thường hay tái phát và có thể cần điều trị dự phòng lâu dài.
Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm soi tươi tìm nấm. Tùy theo từng mức độ của bệnh, các bác sỹ có thể dùng thuốc bôi, uống đơn thuần hoặc kết hợp. Đáp ứng với điều trị khá tốt trong vòng 1-2 tuần điều trị. Việc sử dụng thuốc điều trị không đúng cách có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và cần thời gian điều trị kéo dài hơn.
PGS-TS.Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết nhiều người dân vẫn có thói quen tự điều trị khi có bệnh lý ngoài da.
Có những bệnh trở nên nghiêm trọng, từ nấm, vảy nến, viêm da tiếp xúc… do tự điều trị. Các vấn đề về da liễu như trên sẽ được các bác sỹ trong và ngoài nước cập nhật, chia sẻ tại hội nghị Da liễu Đông Dương diễn ra vào cuối tháng này.
Đột quỵ sau 5 ngày đau đầu
Đang phơi quần áo, người phụ nữ 39 tuổi, đột ngột ngã xuống đất, không nói được, lơ mơ, nhập viện cấp cứu.
Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết người bệnh bị đau đầu suốt 5 ngày, đau nhiều vùng trán và thái dương. Chị đi khám tại bệnh viện gần nhà, được kê thuốc đau đầu nhưng không cải thiện. Trước vào viện một giờ, chị đột ngột ngất, hôn mê, nhập viện cấp cứu.
Bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, chỉ định theo dõi và điều trị phối hợp nhiều phương thức để cải thiện các triệu chứng thần kinh, ngăn ngừa biến chứng, tránh tái phát. Hiện, bác sỹ tìm nguyên nhân gây bệnh, người bệnh không có tiền sử bệnh nền.
Khi cơn đột quỵ xảy ra, cứ mỗi phút trôi qua sẽ làm mất 2 triệu tế bào thần kinh. Do đó, phải tiếp cận điều trị càng sớm càng tốt. Với đột quỵ nhồi máu não, bệnh nhân vào viện sớm trong 4,5 giờ đầu có thể điều trị hiệu quả với thuốc tiêu sợi huyết, đa số hồi phục gần như hoàn toàn.
Các thống kê ghi nhận khoảng 40% người sau đột quỵ gặp di chứng trung bình, phải sống cảnh tàn phế, phụ thuộc một phần. 30% bệnh nhân tàn phế nặng, phải sống phụ thuộc, sống thực vật, tử vong.
Nhồi máu não là một trong những tình huống cấp cứu y khoa khẩn cấp, với “cửa sổ thời gian” vàng để điều trị hiệu quả chỉ kéo dài trong 4, 5 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
Nếu không kịp thời can thiệp, bệnh nhân có thể đối mặt với hàng loạt di chứng nặng nề như liệt vận động, méo miệng, khó nói, mất ý thức hoặc tàn phế, tử vong.
Đột quỵ không có vắc-xin dự phòng, cũng không có viên thuốc nào giúp phòng ngừa. Tuy nhiên, khoảng 80% đột quỵ có thể phòng ngừa nhờ loại bỏ, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.
Khi xảy ra các dấu hiệu đột quỵ, cần lựa chọn vào bệnh viện gần nhất nhưng phải có khả năng điều trị đột quỵ. Việc vào cấp cứu sai nơi có thể làm chậm trễ thời gian vàng, ảnh hưởng kết quả hồi phục của bệnh nhân.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-1111-noi-soi-tieu-hoa-phat-hien-som-u-thuc-quan-ac-tinh-d229696.html