Nhiều giáo viên bị hành hung, quấy rối nhưng luôn ở thế bất lợi nếu đối đầu với phụ huynh và học sinh, một số không được nhà trường bảo vệ.
Koh, 23 tuổi, giáo viên một trường học ở Busan, năm ngoái bị một nam sinh lớp 6 hành hung. Em này còn tự làm hại bản thân trước mặt các bạn, nôn mửa mỗi buổi sáng. Thế nhưng, Koh không thể tự bảo vệ mình hay các học sinh khác vì nhà trường từ chối chuyển nam sinh này khỏi lớp.
Năm nay, Koh nhận một lớp khác nhưng tình trạng không khá hơn. Ở học kỳ đầu tiên, cô bị một số phụ huynh khiếu nại đến ban giám hiệu. Họ gọi và nhắn tin cho cô mỗi ngày, thúc giục cô phải quan tâm đặc biệt đến con họ như nhận xét tích cực về kết quả học tập hay đảm bảo bọn trẻ ăn uống đầy đủ ở trường.
Koh không phải là giáo viên duy nhất áp lực vì yêu cầu của phụ huynh và nỗi sợ bị học sinh hành hung. Hôm 18/7, một giáo viên tiểu học 23 tuổi ở Seoul đã tự sát ngay tại trường. Vụ việc được cho là liên quan đến một học sinh có hành vi bắt nạt ở lớp cô phụ trách. Học sinh này đã dùng bút chì cào vào trán bạn. Phụ huynh của học sinh bị hại đến gặp nhà trường và quyết liệt phản đối, cho rằng cô “không có tư cách làm giáo viên”.
Trước đó, một giáo viên tiểu học khác được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng khi bị học sinh hành hung nhiều lần trên lớp. Trong khi đó, phụ huynh của học sinh này còn cáo buộc cô phân biệt đối xử vì con mình bị trầm cảm lâm sàng. Thậm chí, họ còn có ý định tố cáo cô giáo với cơ quan quản lý giáo dục.
Những vụ việc tương tự xảy ra liên tiếp, nhưng không nhiều giáo viên dám lên tiếng, vì họ được cảnh báo sẽ ở thế bất lợi nếu đối đầu với phụ huynh và học sinh.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, trong giai đoạn 2018-2022, hơn 1.000 giáo viên bị học sinh và phụ huynh hành hung hoặc công kích. Ngoài ra, số trường hợp học sinh xâm phạm quyền của giáo viên trong lớp học được báo cáo đã vượt quá 2.000 vào năm ngoái.
“Giáo viên vẫn đang bị bỏ mặc. Chúng ta nên có ý thức về sự kiểm soát trong lớp học, vì sau cùng, cả giáo viên và phụ huynh đều muốn những gì tốt nhất cho học sinh và con cái họ”, Koh nói.
Tháng 9 năm ngoái, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng xâm phạm quyền giáo viên. Điều này cũng được nhắc lại vào tháng 6 vừa qua, khi chính phủ cho biết sẽ tìm cách để củng cố giáo dục công.
Tuy vậy, Koh chưa nhận thấy có sự thay đổi. Cô kêu gọi ban hành luật nhằm cải thiện điều kiện làm việc của giáo viên, bao gồm tuyển dụng giáo viên dành riêng cho học sinh đặc biệt và thành lập cơ quan chuyên trách xử lý khiếu nại của phụ huynh.
Theo Koh, gần đây, mỗi lớp học trung bình 24-25 học sinh có ít nhất 1 hoặc 2 học sinh đặc biệt và hầu như hôm nào việc học cũng bị cản trở do thầy cô phải chăm sóc các em.
“Các trường có thể thuê giáo viên ngoài cho các trường hợp như vậy, nhưng hệ thống giáo dục yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải quan tâm sát sao cả lớp. Giáo viên không muốn dạy nhũng học sinh đó vì rất mệt mỏi và căng thẳng”, Koh chia sẻ. Trong khi đó, một số phụ huynh cho rằng thuê giáo viên bán thời gian cho đứa con gặp khó khăn của họ là “vi phạm quyền được giáo dục”.
Lee, một giáo viên tiểu học ở Seoul, nhấn mạnh rằng giáo viên phải có quyền ghi âm hoặc quay video trong các trường hợp phụ huynh khiếu nại để tự bảo vệ mình. Cô cũng yêu cầu chính phủ cho giáo viên quyền được nhận bồi thường thích đáng nếu phụ huynh và học sinh làm sai.
“Một phụ huynh từng đến văn phòng chĩa súng điện vào giáo viên và gửi hình ảnh con dao nhằm đe dọa tính mạng giáo viên đó. Chúng tôi đang cố gắng khôi phục các quyền cơ bản của mình để giáo dục học sinh”, cô chia sẻ.
Một giáo viên khác ở Seoul cho rằng các nhà trường nên cấm việc chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại hay địa chỉ của giáo viên cho phụ huynh. “Một phụ huynh đã ly hôn thường xuyên gọi điện cho tôi, kể cả vào ngày nghỉ, quấy rối bằng những lời lẽ như tôi muốn cô làm mẹ của con tôi hay tôi muốn cô làm bạn gái tôi”, cô chia sẻ.
Nhưng điều khiến cô tức giận nhất là thái độ của nhà trường. “Cấp trên muốn che đậy việc này khi tôi báo cáo chỉ vì tôi là giáo viên trẻ ít kinh nghiệm. Họ cũng nói rằng thông tin cá nhân được chia sẻ vì mục đích an toàn cho học sinh”, cô nói thêm.
Trong cuộc họp với Liên đoàn Giáo viên hồi đầu tháng 7, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju Ho cho biết các chính sách liên quan sẽ sớm được điều chỉnh, khi ngày càng có nhiều hành vi gây rối lớp học.
Park Nam Gi, giáo sư Đại học Sư phạm Gwangju, cho rằng chính phủ cần bổ sung luật và biện pháp bảo vệ giáo viên. Nhưng ông nhấn mạnh rằng các trường nên có cách tiếp cận cứng rắn khi đối phó với những phụ huynh và học sinh đi quá giới hạn, có hành vi tấn công, bắt nạt giáo viên.
“Hơn hết, các trường đang che đậy hành vi sai trái của học sinh hay phụ huynh thay vì bảo vệ giáo viên. Điều này khiến phụ huynh lớn tiếng hơn trong các vấn đề ở trường”, ông cho biết.
Phương Anh (Theo Korea Herald, Korea JoongAng Daily)