Nới rộng cửa đón nhà đầu tư quốc tế tại Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô
UBND TP. Hà Nội cần sớm nghiên cứu, tổ chức xúc tiến đầu tư, khảo sát mức độ quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế đối với Dự án PPP thành phần 3, vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.
Phối cảnh một nút giao trên tuyến vành đai 4 – vùng Thủ đô. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 4492/BKHĐT -QLĐT gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà để báo cáo về đề xuất của UBND TP. Hà Nội đối với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án thành phần 3 đầu tư theo phương thức PPP.
Thông tin đáng chú ý nhất trong công văn số 4492 là hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần 3 vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư lên tới 56.293 tỷ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án thành phần 3 theo phương thức PPP được áp dụng đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội cho rằng khả năng sẽ không nhiều nhà đầu tư trong nước tham dự đấu thầu do sau khi khảo sát sự quan tâm, chỉ có 1 nhà đầu tư trong nước đăng ký thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, Dự án thành phần 3 có quy mô quá lớn dẫn đến yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm đối với nhà đầu tư cao, khó tìm được nhà đầu tư đáp ứng; đồng thời khó khăn trong huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng cho thời gian hoàn vốn kéo dài, nhu cầu vốn vay quá lớn.
Do vậy, UBND TP. Hà Nội đề xuất áp dụng áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong nước theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, trường hợp dự án áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong nước nhưng cần thúc đẩy sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế tốt, hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ mời thầu được quy định nhà đầu tư trong nước liên danh với nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc sử dụng đối tác là nhà thầu nước ngoài để tham dự thầu; trong trường hợp này, nhà đầu tư trong nước phải là thành viên đứng đầu liên danh; ngôn ngữ sử dụng trong lựa chọn nhà đầu tư là tiếng Việt.
Tại công văn số 4492, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất đề xuất của UBND TP. Hà Nội về việc áp dụng quy định khoản 5 Điều 34 Nghị định 35/2021/NĐ-CP để thu hút nhà đầu tư quốc tế với điều kiện UBND TP. Hà Nội thuyết minh được sự cần thiết của việc thúc đẩy sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế tốt đối với một dự án có quy mô lớn, thời gian đầu tư xây dựng và vận hành dài như Dự án thành phần 3.
Trường hợp UBND TP. Hà Nội xét thấy phương án áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 35/2021/NĐ-CP để thu hút nhà đầu tư quốc tế không khả thi, đề nghị nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư.
“Đối với cả hai trường hợp nêu trên, đề nghị UBND TP. Hà Nội nghiên cứu, tổ chức xúc tiến đầu tư, khảo sát mức độ quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế đối với Dự án thành phần 3 để bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu về vốn, khả năng thực hiện Dự án hiệu quả, khả thi”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, khó khăn lớn nhất tại Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô chính là phải triển khai xây dựng đường cao tốc trung tâm – xương sống của Dự án đảm bảo tiến độ, đồng bộ với các dự án thành phần xây dựng đường song hành đang được triển khai đầu tư.
Với tiến độ này, dự kiến các chủ đầu tư sẽ hoàn thành toàn bộ tuyến đường song hành đường vành đai 4 – vùng Thủ đô trong năm 2025. Điều này xuất hiện nguy cơ “lệch pha” tiến độ giữa chính tuyến vành đai 3 với hệ thống đường song hành đi kèm, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã tiến hành khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án thành phần 3 trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia vào ngày 28/10/2022 theo đúng quy định của Luật PPP trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ quan tâm vào 9h ngày 11/12/2022, kết quả khảo sát sự quan tâm chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T. Theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ – CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP, hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với Dự án thành phần 3 – xây dựng đường cao tốc vành đai 4 là đấu thầu rộng rãi trong nước không thực hiện sơ tuyển.
Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, việc lựa chọn nhà đầu tư trong nước dự kiến sẽ gặp khó khăn do nhà đầu tư phải đáp ứng tiêu chí tối thiểu theo quy định đối với một dự án giao thông rất lớn, có tính chất, quy mô phức tạp, lần đầu tiên được UBND TP. Hà Nội triển khai thực hiện áp dụng theo Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Cụ thể, nhà đầu tư được lựa chọn phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn Nhà nước (khoảng hơn 4.400 tỷ đồng); từng là nhà thầu chính thi công hoàn thành gói thầu có giá trị tối thiểu là 30% giá trị công việc tương ứng (khoảng hơn 13.600 tỷ đồng); trong vai trò là nhà đầu tư – các ứng viên phải từng hoàn thành dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu 50% tổng mức đầu tư dự án (khoảng hơn 28.100 tỷ đồng)….
Điều này dẫn đến việc phải tổ hợp nhiều nhà đầu tư, nhà thầu để thành lập liên danh mới có thể đáp ứng tiêu chí năng lực tài chính và kinh nghiệm của Dự án thành phần 3.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã lập các tổ hợp liên danh nhà đầu tư thì theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 38 của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ, tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đứng đầu trong Liên danh tối thiểu là 30%, của từng thành viên trong liên danh tối thiểu là 15%).
Đây là điều không dễ đáp ứng ngay cả với các nhà đầu tư hạ tầng lớn trong nước bởi hiện nay tuyệt đại đa số vốn chủ sở hữu đã được đưa vào các dự án PPP đường cao tốc được triển khai từ năm 2020 đến nay.
Mặt khác, do Dự án thành phần 3 sử dụng vốn nhà đầu tư khoảng 29.525 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vay từ các tổ chức tín dụng chiếm khoảng 85% nguồn vốn, thời gian hoàn vốn kéo dài, khả năng tập trung một lượng vốn rất lớn để cho vay dài hạn như vậy trên thực tế là hết sức khó khăn đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của nhà đầu tư.
Với các nguyên nhân nêu trên, UBND TP. Hà Nội dự đoán là sẽ có không nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia tổ hợp thành liên danh nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu và sẽ phải xử lý tình huống theo quy định tại khoản 3 Điều 83 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP (trong trường hợp có ít hơn 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu).
“Cần mở rộng thêm nhà đầu tư quốc tế tham gia vào các liên danh nhà đầu tư đấu thầu Dự án thành phần 3 để vừa đáp ứng yêu cầu kinh nghiệm đảm bảo tính cạnh tranh vừa huy động được thêm nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề xuất.
Nguồn: https://baodautu.vn/noi-rong-cua-don-nha-dau-tu-quoc-te-tai-du-an-vanh-dai-4-vung-thu-do-d217697.html