Cuối tháng 5, là thời điểm diễn ra “mùa họp phụ huynh”. Cũng từ đây, nhiều câu chuyện vui – buồn về kết quả học tập của con em là chủ đề được nhiều phụ huynh nhắc đến.
Hôm vừa rồi, tôi có dịp tham gia buổi họp phụ huynh cuối năm của cấp tiểu học. Trong buổi họp, thành tích học tập của các em học sinh là nội dung mà hầu như phụ huynh nào cũng quan tâm.
Sau khi cô giáo chủ nhiệm đánh giá tổng kết tình hình học tập, nề nếp của lớp trong một năm học qua thì bắt đầu phát bảng điểm. Con gái tôi có điểm số khá cao, với một điểm 10, ba điểm 9 và một điểm 8. Thế nhưng với điểm số này, con tôi cũng chỉ nằm ở cuối tốp giữa của lớp. Song tôi vẫn cảm thấy so với học lực của con như vậy là tốt rồi và con cũng đã có nhiều cố gắng.
“Con chị thi thế nào?”, “điểm có cao không?” – các phụ huynh ngồi bên cạnh vừa hỏi nhau vừa trao đổi bảng điểm của con em mình để xem. Có nhiều em có điểm số rất cao, với nhiều điểm 10 làm những phụ huynh khác phải trầm trồ: “Ôi sao con chị giỏi thế; thích thật, bé có đi học thêm ở đâu không chị?”… Một phụ huynh ngồi cạnh tôi, tỏ vẻ không hài lòng khi con của mình có điểm số thấp. Nói chung, cung bậc cảm xúc của phụ huynh lúc này trong phòng họp phụ thuộc rất nhiều vào điểm số. Lớp con gái tôi có gần 40 học sinh, ấy vậy mà gần một nửa số này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện.
Vừa ra khỏi phòng họp, chị bạn thân của tôi chạy đến hỏi: “Sao rồi, bé nhà được học sinh xuất sắc không em? Bao nhiêu điểm”. Rồi chưa kịp trả lời thì chị buồn rầu kể: “Năm ngoái bé nhà chị học lớp 3 được học sinh xuất sắc, nhưng năm nay lên lớp 4 bị điểm liệt môn ngoại ngữ nên không đạt”. Do đó, chị đã quyết định ngay, sẽ tìm chỗ dạy thêm tiếng Anh tốt cho con chị theo học trong mùa hè này.
Thực tế hiện nay, vẫn có không ít phụ huynh cho rằng, con cứ có giấy khen, đạt điểm số cao thì xem như năm học ấy đã thành công và ngược lại. Cũng chính vì điều đó đã vô tình tạo nên sức ép đối với việc học hành của con nhỏ.
Câu chuyện của một chị bạn khác kể về đứa con trai đang học lớp 6 của mình, khiến tôi phải suy ngẫm. Chị nói, từ hôm có giấy mời họp phụ huynh, cu cậu cứ thấp thỏm, không dám để ba đi họp mà cứ lẽo đẽo theo mẹ để nói mẹ đi họp phụ huynh cho mình. Hỏi ra mới biết, học kỳ này kết quả học tập của cu cậu không tốt so với những năm trước, chỉ đạt hoàn thành, trong khi đó tính của ba rất nóng, sợ cơn nóng giận của ba sẽ khiến cu cậu bị ăn đòn. Có thể nói, trong lòng của cậu bé đang chịu một áp lực rất lớn.
Song vẫn có rất nhiều phụ huynh tư tưởng thông thoáng hơn, khi cho rằng việc tiến bộ trong học tập của con em mình mới là điều quan trọng. Họ cho rằng, tâm hồn của những đứa trẻ như những chồi non mới nhú, không nên tạo áp lực quá nặng nề về học tập mà hãy tạo thói quen cho con em mình tự ý thức được việc học là để chiếm lĩnh kiến thức, không phải vì điểm số, không phải vì… sợ bố mẹ. Cách làm này sẽ hình thành nên tinh thần tự giác, tính cách chủ động trong học tập cũng như trong cuộc sống của các em, khiến cho các em tận hưởng niềm vui khi đến trường.
Và với riêng tôi, kỳ vọng lớn nhất mà tôi đặt lên con mình chính là việc được thấy con sống trong vui vẻ, bình an, khỏe mạnh và học tập bình thường.