“Miền Nam trong trái tim tôi…” – câu nói của Bác Hồ lúc sinh thời đã thể hiện rõ tình cảm sâu sắc của Người đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam và đồng bào, chiến sĩ miền Nam cũng dành trọn niềm tin, nỗi nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Ghi lại tình cảm thiêng liêng đó, nhiều nhà thơ đã viết nên những câu thơ giàu cảm xúc.
Bác Hồ chăm cây vú sữa do đồng bào miền Nam gửi tặng. Ảnh tư liệu. |
Ngày 5-6-1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã xin làm phụ bếp trên con tàu Amiral Latouche Tréville rời Sài Gòn, bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước. Cuộc hành trình ấy kéo dài suốt 30 năm, qua 4 châu lục với gần 30 quốc gia trên thế giới để tìm ra đường đi cho dân tộc Việt Nam. Mùa xuân năm 1941, Người trở về Tổ quốc và núi rừng Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) đã đón bước chân Bác. Đến năm 1946, sau khi hội nghị Fontainebleau (từ ngày 6-7-1946 đến 10-9-1946) kết thúc nhưng không đạt được kết quả mong đợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đàm phán, ký kết với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9-1946. Chỉ một ngày sau, cao ủy Pháp ở Việt Nam là D’Argenlieu gửi điện mời Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt tại vịnh Cam Ranh trên đường Người từ Pháp trở về để bàn việc thi hành tạm ước. Ngày 18-10-1946, Bác Hồ đã đến vịnh Cam Ranh. Lịch sử ghi nhận, vịnh Cam Ranh là nơi cuối cùng Bác xuất hiện ở một địa phương miền Nam. Trong suốt thời gian sau đó, Bác luôn đau đáu nỗi nhớ, tình cảm sâu sắc đối với người dân miền Nam, vẫn canh cánh nỗi niềm “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi…”.
Khắc họa lại tình cảm thiêng liêng, cao quý đó của Bác, nhà thơ Tố Hữu viết: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”. Câu thơ gói trọn tình cảm của Bác Hồ với đồng bào, chiến sĩ miền Nam và của đồng bào, chiến sĩ miền Nam với Bác Hồ. Đó không chỉ là tình cảm đơn thuần của một vị lãnh tụ với nhân dân, mà còn là tình cảm gắn bó gia đình ruột thịt thân thiết. Cũng ghi lại nỗi nhớ miền Nam da diết, khôn nguôi của Bác, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh trong bài Miền Nam có những câu thể hiện tình cảm chân thực của Người: “Mỗi tối Bác đều mơ Tổ quốc/Mỗi ngày đều nhớ Cửu Long giang/Lòng bay đến tận vùng kênh đước/Tái sinh thế kỷ những Bạch Đằng…”. Nhà thơ Quốc Tấn trong bài Cây vú sữa trong vườn Bác lại có một cách nhìn riêng. Từ việc làm bình dị của Bác là chăm sóc cây vú sữa do đồng bào miền Nam gửi tặng, nhà thơ đã cho mọi người thấy được tình cảm to lớn của Bác đối với miền Nam: “Mười lăm năm… mỗi sáng chiều/Bác Hồ chăm chút, nâng niu từng cành/Cây càng khỏe, lá càng xanh/Như miền Nam đó trưởng thành nở hoa…”.
Đáp lại tình cảm của Bác, đồng bào, chiến sĩ miền Nam cũng hướng về Người với niềm mong ngóng, ước vọng như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội/Rước Bác vào thǎm, thấy Bác cười!”. Năm 1945, từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhà thơ Bảo Định Giang đã có lời thơ ca ngợi Bác: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Mạch cảm xúc sâu nặng hướng về Bác Hồ được nhà thơ Thanh Hải bộc bạch trong bài Cháu nhớ Bác Hồ: “Bác ơi dù cách núi non/Mà hình Bác vẫn trong lòng không xa/Giặc kia muốn cắt sơn hà/Mà miền Nam vẫn hướng ra Bác Hồ…”.
Cũng là một nhà thơ miền Nam trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Viễn Phương trong lần ra thăm miền Bắc vào năm 1976 đã không khỏi xúc động nói lên tình cảm chân thành, bịn rịn của một người con miền Nam đối với Bác Hồ khi Viếng lăng Bác: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt/Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác/Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây/Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”.
Miền Nam đi trước về sau, thành đồng Tổ quốc với những con người chất phác, đậm tình, giàu nghĩa đã dành trọn tình cảm của mình với Bác Hồ. Nhiều câu chuyện đẹp về những lời nói, việc làm của Bác đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam vẫn còn được lưu truyền. Các nhà thơ bằng tài năng, tình cảm của mình đã khắc họa lại tình cảm thiêng liêng đó. Để đến hôm nay và mai sau, chúng ta vẫn luôn cảm nhận tình cảm của Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ qua những hình tượng nghệ thuật và ngôn từ giàu cảm xúc.
Giang Đình