Tôi sinh ra ở một làng quê ven biển. Tôi lớn lên trên cát, cát bủa vây lấy làng tôi. Gió bốn bề quất cát vào làng tôi ràn rạt…
Ven biển xã Cương Gián (Nghi Xuân).
Những trảng cát dài đùn lên ven biển, cát bám lấy mặt mũi, quấn vào tóc tôi cả lúc đến trường. Những cây phi lao oằn mình xập xòa trên cát. Gió từ biển thốc vào, phi lao rạp mình cam chịu. Ấy vậy mà nó vẫn can trường bám víu lấy cát, vẫn nẩy những chồi xanh thật diệu kỳ và mãnh liệt. Phải chăng cây phi lao cũng hệt như người làng tôi, như ông bà tôi đã bám vào cát, vào biển mà trường tồn, mà truyền nối nhau dệt nên tình yêu thiết tha về biển!
Nhà tôi thuở ấy cách biển không xa, khi mùa hè đến, sáng sớm nào bọn trẻ cũng băng qua mấy trảng cát chạy ra biển. Khi mặt trời nhô lên ở chân trời, biển hồng lên ánh hào quang rực rỡ. Cát mát lịm dưới bàn chân, gió vi vu phả lên từng khuôn mặt trẻ thơ hơi ấm nồng của biển cả. Chúng tôi hít thở hương vị mặn mòi của biển mà lớn dần lên. Biển cho tôi biết về những giấc mơ đầu đời, giấc mơ của tuổi thơ về một con tàu vượt đại dương xa vợi.
Trảng cát Truông vùn thuộc xã Thịnh Lộc (Lộc Hà). Ảnh: Thiên Vỹ
Ông nội tôi một đời lênh đênh trên biển. Khi tôi chưa kịp lớn, ông đã từ giã biển, đơn giản vì ông không còn sức lực nữa. Đàn ông miền biển vốn là những người có sức khỏe và sự dẻo dai. Ông cũng vậy, gần bảy mươi tuổi nhưng vẫn ra khơi, bởi biển là cơm áo của cả gia đình. Các cô chú trong nhà, người đi biển, người chạy chợ. Ông tôi bám mình trên biển bằng chiếc thuyền nan bé tẹo vài năm lại hỏng. Hỏng lại làm, cứ thế, một đời ông đã không nhớ đã từng lênh đênh trên bao chiếc thuyền như thế.
Không phải lúc nào mặt biển cũng bao dung. Những lúc biển hiền hòa là làng tôi lao xao, dập dìu tôm cá. Khi biển động, sóng vỗ uỳnh oàng, làng tôi lại thắc thỏm không yên. Ngày ấy, ông nội tôi đi biển theo kinh nghiệm trăng trời và khí tiết nên giông lốc, bão gió bất ngờ không ai lường trước được. Bởi thế mà mỗi lần ra khơi là một lần ông và các ngư phủ đánh cược với số phận của mình. Thương sao những người vợ, người mẹ biển… Những trảng cát sau làng tôi từng thấm nước mắt khi có ai đó lỡ chuyến không về… Nhưng người làng tôi vẫn bám lấy biển, vượt qua số phận và cả sự cuồng điên của biển cả để sống kiên gan như những ngọn phi lao sau trảng cát làng.
Ngư dân Hà Tĩnh trở về sau chuyến đánh bắt gần bờ.
Ông nội tôi từ giã biển vào một ngày tháng ba, gió nồm rười rượi. Ông nằm gối đầu lên cát, mặt hướng về biển khơi. Cát vỗ về, ôm ấp lấy ông, đón ông trở về yên lặng sau cả một cuộc hành trình mải miết, bấp bênh. Hôm tiễn ông đi, một chiều nắng vàng đầu hạ. Nắng trải hắt lên những cồn cát im lìm, xa xa đôi chấm thuyền ngoài khơi ẩn hiện sau từng ngọn sóng. Những bụi phi lao lòa xòa trên cát, gió biển thốc vào mặn chát trên khóe mắt tôi.
Lên cấp ba, tôi đi học xa làng, xa biển. Suốt những tuần trọ học, tôi nhớ nhà, nhớ biển đến quắt quay. Cuối tuần được nghỉ, tôi về làng, chạy ào ra biển, lao mình xuống nước thể như lâu lắm không được trở về. Ngồi trước biển, ngắm từng hang dã tràng bị sóng xóa mà nghĩ về một điều gì đó cũng thật vô cùng ý vị.
Làng tôi bây giờ đổi thay chóng mặt. Những chiếc thuyền máy công suất lớn đánh bắt xa bờ được trang bị hiện đại cả về ngư cụ đến phương tiện dự báo, cứu hộ… Sản vật đánh bắt được mua bán với giá khá cao.
Tôi thả mình xuống cát, biển quê hương vẫn rì rào. Những cây phi lao vẫn nhoài ra phía biển như góc làng đang lấn dần ra trảng cát phía sau. Bạn bè thơ ấu của tôi mỗi đứa một phương, bỏ lại quê nhà bốn phía cát bủa vây, nhưng còn nguyên sơ một nỗi niềm về biển. Một nỗi nhớ biển đến cồn lên trong mỗi giấc mơ.
Biển Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh).
Tôi bước trên cát, nắng tháng tư trở mình đón gió biển, gió nồm nhè nhẹ báo hiệu những mẻ lưới nặng tay. Tôi nhớ ông, nhớ những con thuyền bằng tre mong manh trên biển. Xa xa, bọn trẻ vẫn hùa nhau theo trái bóng. Cát lại nuôi lớn những lứa trẻ làng tôi…
Tôi cắm lên mộ ông một nén hương. Ngoài kia gió biển vẫn cứ rì rầm lời từ muôn thuở. Những cây phi lao choài ra trên mộ ông như khát vọng sống kiên cường của người làng tôi trước biển cả bao la.
Nguyễn Doãn Việt