Giăng Màn là dãy núi nằm giữa vùng đệm Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) và Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình). Dãy núi hùng vĩ này thuộc sơn hệ Trường Sơn, kéo dài sang tận Lào với những ngọn núi cao quanh năm mây phủ, trong đó có đỉnh Phi co pi (2.071m) cao nhất tỉnh Quảng Bình được mệnh danh là “trấn sơn” với ý nghĩa là núi chủ.
Dãy Giăng Màn chiếm phần lớn lãnh thổ 2 huyện Minh Hóa và Bố Trạch với địa thế tiếp cận khó khăn. Để tới được nơi này, tôi đã phải nhờ tới các chiến sĩ đồn biên phòng Ra Mai ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa.
Từ thành phố Đồng Hới, sau hơn 150km, tôi đặt chân đến đồn biên phòng và được tiếp đón bởi sự ân cần, thân thiện của các chiến sĩ trong bầu không khí trong lành, tiếng chim hót líu lo.
Những lo toan của cuộc sống xô bồ đã được để lại bìa rừng nhường chỗ cho sự háo hức được khám phá thiên nhiên và đời sống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây.
Núi đá sừng sững một bên đường cùng bên kia là vực thẳm và những khúc cua gấp khiến tôi không khỏi thót tim. Đi xe máy chừng hơn 30 phút trên con đường độc đạo vào thôn bản, chúng tôi dừng chân ở bản Cha Cáp ở vị trí cao nhất trong 4 bản trên cung đường này. Từ vị trí thuận lợi và an toàn, tôi thoải mái tác nghiệp để lưu lại những bức ảnh mây vờn núi, núi ẩn hiện trong làn mây mỏng nhẹ.
Mây núi như đã chạm vào tâm hồn tôi, gửi món quà trong trẻo từ thiên nhiên ban sơ. Cũng từ điểm cao này, thả mắt xuống dưới xa có thể thấy nhà máy thủy điện La Trọng. Hồ nước giữa hai bên vách núi như thể “hồ treo” giữa đại ngàn hùng vĩ. Hồ thủy điện này là nơi nước từ các khe, suối trên địa bàn đổ về. Hai bên lòng hồ là những cánh rừng nguyên sinh được nhà nước và cộng đồng dân cư bảo vệ nghiêm ngặt.
Tạp chí Heritage