(Dân trí) – Bảo tàng Hồ Chí Minh khánh thành ngày 19/5/1990 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện bảo tàng là nơi lưu giữ những tư liệu quý về Bác Hồ lớn nhất Việt Nam.
Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân thế giới qua đời.
Để tỏ lòng kính yêu và đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Người anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, theo nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Du khách nước ngoài cảm phục, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tháng 8/1985, khánh thành ngày 19/5/1990 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với khối lượng tài liệu, hiện vật và ảnh tư liệu gốc đồ sộ, quý hiếm, độc bản, Bảo tàng Hồ Chí Minh được xem như một cuốn bách khoa thư về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong dòng người đông đúc đến thăm bảo tàng những ngày tháng 5 lịch sử có rất đông du khách nước ngoài.
Chị Kholodova Liliya (32 tuổi, quốc tịch Nga) tìm hiểu về những hiện vật ở Bảo tàng Hồ Chí Minh (Ảnh: Nguyễn Hải).
Chị Lavi (27 tuổi, quốc tịch Canada), trong chuyến du lịch Hà Nội đã chọn Bảo tàng Hồ Chí Minh là một trong những điểm dừng chân.
Sau hơn 10 ngày tham quan nhiều địa điểm của Việt Nam như Ninh Bình, Hà Giang, Quảng Ninh, Hà Nội… chị Lavi vô cùng ngưỡng mộ sự thanh bình và lòng hiếu khách của đất nước, con người Việt Nam.
Tìm hiểu về lịch sử dân tộc Việt Nam, chị Lavi đặc biệt ấn tượng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
“Khi tìm hiểu về Bác Hồ tôi rất khâm phục về sự tài năng, chăm chỉ của Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh cả cuộc đời vì con người, đất nước Việt Nam”, chị Lavi nói.
Cũng là một trong những vị khách nước ngoài đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, chị Kholodova Liliya (32 tuổi, quốc tịch Nga) chia sẻ, khi đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh được xem, tìm hiểu những tài liệu, hiện vật về Bác Hồ, chị càng thêm cảm phục, kính trọng vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.
“Qua những hiện vật, những minh chứng sống động về cuộc đời Bác Hồ, gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập của đất nước Việt Nam, tôi càng thêm yêu Bác Hồ và dân tộc Việt Nam”, chị Kholodova Liliya bày tỏ.
Trong hơn 2 tháng làm tình nguyện viên phiên dịch tiếng Anh cho du khách nước ngoài tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ngọc Anh (sinh viên năm 2 khoa Truyền thông Quốc tế Học viện Ngoại giao) vô cùng tự hào khi được truyền tải những kiến thức về Bác Hồ cho du khách nước ngoài.
Ngọc Anh (sinh viên năm 2 khoa Truyền thông Quốc tế Học viện Ngoại giao) thuyết minh cho du khách nước ngoài về những hiện vật tại bảo tàng (Ảnh: Nguyễn Hải).
Chuẩn bị đến ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngọc Anh tự nhắc nhở bản thân phải không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Được làm hướng dẫn viên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, em thấy vô cùng tự hào. Các du khách đến bảo tàng khi biết về con người Bác Hồ và 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ họ rất xúc động, nhiều người bật khóc.
Nhân dịp này em mong muốn truyền tải được nhiều thông điệp về đất nước, con người Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến du khách quốc tế”, Nguyễn Lành (24 tuổi), hướng dẫn viên quốc tế của Câu lạc bộ Ha Noi free private tour guide làm việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ.
Khi tìm hiểu, biết thêm về con người Bác Hồ, Nguyễn Lành luôn tự nhủ bản thân cố gắng học thêm nhiều thứ tiếng như Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản… để giới thiệu đất nước, con người Việt Nam đến với du khách quốc tế.
Anh Trịnh Ngọc Tân, hướng dẫn viên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, rất nhiều du khách khi đến với bảo tàng có tâm lý tìm về cội nguồn dân tộc.
Thông qua những hiện vật của bảo tàng giúp du khách hiểu được sâu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự hy sinh của Bác.
Nhiều đoàn du khách đến bảo tàng vô cùng cảm động khi được chứng kiến những hiện vật của Bác Hồ như bộ quần áo, đôi dép….
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, bảo tàng luôn thu hút hàng nghìn du khách mỗi ngày (Ảnh: Nguyễn Hải).
Viếng thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau nhưng qua những hình ảnh, hiện vật được chứng kiến, câu chuyện được nghe khách tham quan sẽ hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tinh thần và cốt cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nơi lưu trữ tài liệu, hiện vật về Bác Hồ lớn nhất Việt Nam
Theo thông tin từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, đơn vị hiện là nơi lưu trữ tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam với hơn 17.000 tài liệu, hiện vật.
Nội dung trưng bày chính của Bảo tàng Hồ Chí Minh ở tầng 3 có diện tích gần 4000m2, với trên 2.000 tài liệu, hiện vật trưng bày, phản ánh một cách hệ thống cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam và thời đại từ cuối thế kỷ XIX đến nay.
Bảo tàng Hồ Chí Minh có trách nhiệm và vinh dự vô cùng lớn lao là được lưu giữ toàn bộ những tài liệu hiện vật Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng lúc sinh thời.
Đó là tài sản vô giá của Quốc gia, là di sản về tư tưởng, đạo đức và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1990, khi Bảo tàng Hồ Chí Minh khánh thành, toàn bộ khối hiện vật trên được chuyển về kho cơ sở bảo tàng lưu giữ và bảo quản.
Hàng năm, kho cơ sở được bổ sung một khối lượng lớn tài liệu, hiện vật do các cá nhân và tập thể trong và ngoài nước trao tặng và sưu tầm.
Ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình về việc gìn giữ khối tài sản vô giá của Quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt việc quản lý các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Công tác bảo quản hiện vật nghiêm ngặt
Với số lượng 17.000 tài liệu, hiện vật, phim ảnh gốc được tiến hành kiểm kê theo đúng nguyên tắc bảo tàng và được bảo quản nghiêm ngặt ở các kho.
Hệ thống sổ sách và hồ sơ tài liệu hiện vật được thành lập ngay từ khi Kho cơ sở ra đời cũng như khi sưu tầm được hiện vật, nên đảm bảo tính khoa học và tính chân thực lịch sử.
Công tác bảo quản tại kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh được thực hiện sau khi đã tiến hành công tác kiểm kê. Hiện vật sau khi đã đánh số phân loại theo chất liệu, được sắp xếp lên các giá kệ (bằng nhôm kính, gỗ kính) chắc chắn, tránh rơi vỡ.
Chế độ bảo quản ở kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh còn chú trọng đến việc theo dõi nhiệt độ, ẩm độ hàng ngày, hệ thống máy điều hòa, máy đo nhiệt độ luôn hoạt động đảm bảo nền nhiệt an toàn cho hiện vật.
Máy đo độ ẩm, máy hút ẩm đảm bảo kho hiện vật luôn khô ráo, tránh ẩm mốc phát triển gây hại đến hiện vật bảo quản trong kho.
Vị đại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, công tác sưu tầm hiện vật của bảo tàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của bảo tàng, là yếu tố cốt lõi, có tính quyết định sự hình thành, tồn tại và phát triển của mỗi bảo tàng.
Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Quốc khánh, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức một buổi lễ tiếp nhận và gặp mặt các nhân chứng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tặng hiện vật và có đóng góp với công tác sưu tầm, tổ chức triển lãm chuyên đề, viết bài giới thiệu nhằm tri ân.
Trong thời gian qua, các bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cũng như định hướng, nhu cầu của đơn vị mình để không ngừng sưu tầm bổ sung các hiện vật, tài liệu có giá trị làm phong phú kho cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn.
Bảo tàng Hồ Chí Minh mỗi năm đón tiếp khoảng 1 triệu khách du lịch người Việt Nam và khoảng 200.000 khách quốc tế (Ảnh: Nguyễn Hải).
Công tác sưu tầm hiện vật được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau như mua bán, tiếp nhận hiến tặng, trao đổi, điều chuyển, chuyển giao. Đến nay, đã có nhiều hiện vật gốc, sưu tập hiện vật độc đáo liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ, phục vụ cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vị đại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết thêm, mỗi năm đơn vị đón tiếp khoảng 1 triệu khách du lịch người Việt Nam và khoảng 200.000 khách quốc tế.
Trong những năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón tiếp hơn 30 triệu lượt khách, trong đó có gần 7 triệu lượt khách quốc tế. Nhiều đoàn nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của các quốc gia, tổ chức quốc tế; lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã đến tham quan bảo tàng.
Tòa nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh mang biểu tượng một bông sen trắng, cao gần 20 mét, gồm 3 tầng. Tầng một có các phòng làm việc của cán bộ, nhân viên Bảo tàng, các khu nghỉ và dịch vụ công cộng phục vụ khách tham quan.
Trung tâm tầng một là một hội trường lớn với gần 400 chỗ ngồi, nơi có thể tổ chức các cuộc mít tinh, các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Tầng hai gồm các gian triển lãm chuyên đề và một thư viện với hơn 100 chỗ ngồi phục vụ cho việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/noi-luu-tru-tu-lieu-quy-ve-bac-ho-lon-nhat-viet-nam-20240517225723202.htm