Thanh Hóa là một đô thị đặc biệt khi còn lưu đậm dấu tích của thời kỳ đồ đá và đồ đồng tại các di chỉ như Núi Đọ và làng cổ Đông Sơn, như nhận xét của nhà văn Lê Ngọc Minh và nhà nghiên cứu Hà Huy Tâm: Một địa chỉ lịch sử văn hóa hiếm hoi, một miền đất phát tích kỳ lạ mà thời gian càng lùi xa càng thêm nhiều hồi quang lấp lánh sắc độ. Chính điều đó đã khơi nguồn cho ý tưởng xây dựng một không gian văn hóa đặc trưng bản sắc Việt – Không gian văn hóa Việt nhằm thông qua các vật thể có giá trị lịch sử – văn hóa chân thực, để tái hiện lại những cảnh quan mang đậm dấu ấn thiên nhiên bản địa trong lòng đô thị.
Du khách tham quan Bảo tàng cổ vật Đông Sơn – Không gian văn hóa Việt. Ảnh: Hương Thảo
Tọa lạc tại phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, Không gian văn hóa Việt có tổng diện tích khoảng hơn 24.000 m2. Nơi đây là một phức hợp các công trình kiến trúc, cảnh quan, hội tụ nhiều hiện vật, di sản văn hóa phong phú, giá trị. Đó không những là tài sản tinh thần, nguồn lực vật chất vô cùng quý giá của một vùng văn hóa rất mực căn cốt Đại Việt, mà còn là một bức thuyết minh toàn cảnh với nguồn tư liệu đầy sức cuốn hút bằng các di sản, hiện vật sinh động. Từ đó giới thiệu với những người yêu mến xứ Thanh, yêu mến lịch sử – văn hóa xứ Thanh; quảng bá với du khách bốn phương, những người muốn tìm đến xứ Thanh để tìm hiểu, nghiên cứu, để cảm nhận, khám phá ra những điều thú vị của một miền đất từ bao đời nay đã nổi tiếng với mỹ danh “địa linh nhân kiệt”.
Ngay ở khu vực cổng chính đi vào, du khách sẽ không khỏi thích thú trước sự hiện diện của ngôi nhà tranh vách đất, mô phỏng lại cuộc sống xưa của người Việt. Căn nhà được làm bởi các nguyên liệu hoàn toàn bằng thiên nhiên. Mái nhà làm từ rạ. Vách đất được nhào trộn từ rơm, đất bùn trát lên phiên tre nứa mà thành. Phía trước hiên và bên hông nhà là nơi cất giữ những công cụ lao động như máy quạt lúa, cối giã gạo, cối xay lúa. Bên trong nhà có vật dụng (bàn ghế, giường nằm) làm bằng chất liệu tre. Phía bên tay phải là gian bếp nhỏ, bên cạnh là cây rơm, con trâu, cây mít… là những hình ảnh quen thuộc của người nông dân Việt Nam.
Khu trưng bày các tác phẩm điêu khắc từ gỗ với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, óc sáng tạo cùng với các ý tưởng của chủ nhân, đã làm nên những tác phẩm tuyệt vời, vô cùng giá trị để lại cho muôn đời sau. Những tác phẩm nghệ thuật thu hút ngay từ cái tên: Cửu long tranh châu; Tứ bất tử; Tứ Linh: Long – ly – quy – phụng; Thanh kỳ khả ái…
Bên cạnh các tác phẩm điêu khắc từ gỗ, khu trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ đá cũng cho thấy sức hấp dẫn, quy mô và công phu, đầu tư, tâm huyết của chủ nhân kiến tạo Không gian văn hóa Việt này. Nhiều sản phẩm tinh xảo, giá trị thẩm mỹ, sưu tầm cao được chế tác từ các loại đá xanh, đá ruby, mã não, thạch anh, topaz… được khai thác từ thiên nhiên; một số sản phẩm được chế tác từ đá nguyên khối rất ấn tượng.
Điểm nổi bật nhất, ấn tượng nhất và cũng mang tầm vóc lịch sử – văn hóa nhất, đó là khu Bảo tàng cổ vật Đông Sơn. Đúng như tên gọi, đây là nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu hơn 1.000 hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn – một nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại kim khí cách đây 2.000-3.000 năm, thời kỳ văn minh đầu tiên của người Việt cổ – mốc thời gian ra đời Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng. Còn nhớ, những hiểu biết về nền văn hóa Đông Sơn xuất phát từ việc một người dân sinh sống ở ngôi làng cổ Đông Sơn bên dòng sông Mã (TP Thanh Hóa) tình cờ tìm thấy một số hiện vật làm bằng đồng bên hữu ngạn sông Mã. Sau đó, các hiện vật này được một viên chức thuế quan Pháp chuyên săn lùng đồ cổ là L.Pajot mua lại. Năm 1929, những hiện vật ấy được học giả người Pháp V.Golubew công bố trên toàn thế giới. Có thể nói, trong số các nền văn hóa cổ được phát hiện trên đất Việt Nam, văn hóa Đông Sơn là một trong những nền văn hóa tiêu biểu nhất, thu hút đông đảo sự quan tâm của giới khảo cổ, nghiên cứu văn hóa – lịch sử.
Còn điều gì đáng tự hào hơn khi trên chính mảnh đất lần đầu tiên phát hiện ra dấu tích văn hóa Đông Sơn đã xây dựng được một khu bảo tàng ngoài công lập có quy mô khá lớn, cách trưng bày khá chuyên nghiệp. Hiện vật được trưng bày tại bảo tàng khá đa dạng, độc đáo, với nhiều chất liệu khác nhau…
Các hiện vật đồ gốm thuộc nền văn hóa Đông Sơn được lưu giữ, trưng bày ở đây gồm: đồ đun nấu (nồi, chõ, vò, bình, chậu), đồ dùng ăn uống (bát, chén, cốc) với màu sắc phớt hồng, đỏ thổ hoàng, màu xám đen… như đặc trưng không thể pha lẫn của gốm Đông Sơn vùng sông Mã, tạo tiền đề cho nghề sản xuất gốm xứ Thanh phát triển trong khoảng 10 thế kỷ sau đó.
Học sinh tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại khu vực Bảo tàng cổ vật Đông Sơn – Không gian văn hóa Việt.
Nhắc đến văn hóa Đông Sơn không thể không nhắc đến hệ thống hiện vật bằng đồng. Tại bảo tàng có số lượng lớn hiện vật bằng đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn như: Công cụ sản xuất của người tiền sử và cổ sử như rìu xéo hình mặt trăng lưỡi liềm, dao xén, lưỡi cày hình cánh bướm…; các loại đồ dùng sinh hoạt và tín ngưỡng tâm linh như thạp đồng, bình, đỉnh, lư hương… Bên cạnh đó còn có các loại vũ khí bằng đồng như giáo, mác, dao găm, kiếm ngắn, mũi tên…
Với bộ sưu tập hơn 200 trống đồng – “mặt trời Đông Sơn” (chữ dùng của cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ) cho thấy quy mô, giá trị khoa học to lớn của Bảo tàng cổ vật Đông Sơn. Đây là bộ sưu tập trống đồng khá quy mô, đa dạng về loại hình, kích thước, kiểu dáng hoa văn… Trống đồng được xem là biểu tượng của nền văn hóa Đông Sơn. Trong cuốn sách “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh”, cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ khi viết “Mặt trời Đông Sơn” đã miêu tả chi tiết: Mỗi chiếc trống đồng Đông Sơn là “một tác phẩm nghệ thuật, phối hợp hài hòa điêu khắc với hội họa, thể hiện cuộc sống và tâm hồn Lạc Việt với biểu tượng chim lạc, một giống chim nước to lớn, có khả năng làm chủ bầu trời, chiếm lĩnh thế giới đồng bằng, nhịp thủy triều hòa nhịp cuộc sống con người và cây lúa nước không ngừng sinh sôi, biểu tượng của nền văn minh sông Mã”.
Khu vực trưng bày đồ minh khí thuộc văn hóa Đông Sơn cũng là một trong những điểm nhấn, thu hút không thể bỏ qua khi đến với Bảo tàng cổ vật Đông Sơn. Đồ minh khí là mô hình thu nhỏ của các vật dụng quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người dân lúc bấy giờ, dùng để tùy táng theo người chết. Đồ minh khí được lưu giữ, trưng bày ở Bảo tàng cổ vật Đông Sơn là các loại trống đồng kích cỡ, hình dạng khác nhau, phần nào phản ánh đời sống tâm linh của người Việt, cơ cấu tổ chức, phân chia giai cấp trong xã hội lúc bấy giờ. “Ghé thăm Bảo tàng cổ vật Đông Sơn nói riêng, Không gian văn hóa Việt nói chung, du khách như đang bước vào hành trình ngược dòng lịch sử, về với cội nguồn văn hóa xứ Thanh. Chỉ nói riêng về Bảo tàng cổ vật Đông Sơn sẽ thấy, từ bao tâm huyết, tiềm lực đầu tư của chủ nhân nơi đây, đến các yếu tố hiện vật riêng biệt đã khẳng định chiều sâu lịch sử – văn hóa, vai trò và vị thế của xứ Thanh trong tiến trình lịch sử dân tộc”, nhà nghiên cứu văn hóa Hà Huy Tâm chia sẻ.
Với giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan lắng đọng trong hệ thống hiện vật được trưng bày, Không gian văn hóa Việt đã được công nhận là điểm du lịch, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm bức tranh du lịch, văn hóa TP Thanh Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Bài và ảnh: Thảo Linh