Từ 15 giờ ngày 22/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng. Xăng E5 RON 92 giá 20.488 đồng/lít, sau khi tăng 357 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành (thấp hơn xăng RON95-III 1.011 đồng/lít); xăng RON 95-III giá 21.499 đồng/lít, sau khi tăng 499 đồng/lít so giá bán lẻ hiện hành… Trước đó, vào ngày 4/5, giá bán lẻ điện bình quân cũng được điều chỉnh từ 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng) tăng lên 1.920,3732 đồng/kWh (tương ứng 3%).
Mặc dù, theo lý giải của ngành điện, mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, tiền điện trả thêm của các hộ dân không nhiều. Nhưng đáng nói, giá điện, giá xăng dầu tăng kéo theo giá hàng hóa, sản phẩm thiết yếu sẽ tăng, đẩy chi tiêu hàng ngày vọt lên. Giữa thời buổi khó khăn hậu đại dịch COVID-19 và lao động việc làm như hiện nay, việc tăng giá tác động rất lớn đối với nhiều người.
“Tháng này, tiền điện nhà tôi tăng lên “chóng mặt”, cao hơn tháng trước gần 50%. Thời tiết quá nóng, ai cũng sử dụng điện nhiều, mà giá điện tăng mới khổ”- chị Nguyễn Thị Ngọc Lài (ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) chia sẻ. Làm công nhân, đồng lương ít ỏi, thường xuyên bị giảm giờ làm do công ty không có đơn hàng, nay hầu hết chi phí sinh hoạt thiết yếu đều tăng giá, càng nặng gánh cho nhóm đối tượng thu nhập thấp.
“Hầu hết, chúng tôi đều tranh thủ ăn sáng ở nhà rồi mới đi làm, không dám ăn ở tiệm. Tiệc tùng, họp nhóm đều cắt giảm, hạn chế. Thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm sinh hoạt hàng ngày… nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau” – Bảo Như (công nhân may) cho biết.
Bảo dưỡng các thiết bị điện góp phần tiết giảm tiêu hao sử dụng điện
“Nhà trọ có hỗ trợ giá điện, nước, nhưng tình hình nắng nóng thì nhu cầu sử dụng tăng gần gấp đôi. Nhất là khi điện, xăng tăng giá, mớ rau, con cá ngoài chợ cũng tăng giá ngay lập tức. Chắt chiu tiết kiệm trong hoàn cảnh này thật khó khăn. Bây giờ, ra chợ cầm 100.000 đồng mua không được bao nhiêu” – Thùy Trang (công nhân thuê trọ ở phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) than thở.
Không riêng gì giới công nhân và người lao động thu nhập thấp, nhiều người làm việc văn phòng cũng thắt chặt chi tiêu. “Vật giá leo thang mấy năm nay rồi, không giảm. Thứ gì cũng tăng, vợ chồng đi làm, gồng gánh nuôi 2 đứa con ăn học, chi tiêu, tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước, tiền xăng xe, tiền ăn sáng, tiền chợ… mọi thứ cứ quay cuồng” – anh T. (cán bộ một đơn vị ở TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Cầm phiếu thu tiền điện trên tay, anh M. (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) hoảng hồn: “Ôi trời, tháng này tiền điện tăng gần gấp đôi tháng trước. Biết là tháng nóng, xài nhiều hơn một chút, nhưng không hiểu sao mà tăng kinh khủng như vậy”.
Đó còn chưa kể, tiền nước cũng gia tăng khiến người dân cũng lo lắng, khi thu giá dịch vụ thoát nước đô thị đối với hộ gia đình ở TP. Long Xuyên áp dụng mức 2.500 đồng/m3 từ đầu năm nay.
“Bình quân mỗi tháng, nhà tôi xài khoảng 90.000 – 100.000 đồng. Từ đầu năm đến nay, tiền nước tăng lên quá nhiều, mỗi tháng đóng khoảng 150.000 đồng. Mà nước sạch là nhu cầu thiết yếu nhất, mà hầu như mọi thứ đều tăng giá” – chị Hoàng Yến (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) bày tỏ.
Quyết định 62/2021/QĐ-UBND, ngày 20/12/2021 của UBND tỉnh phê duyệt phương án giá và lộ trình thực hiện giá dịch vụ thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh. Công ty Cổ phần Điện nước An Giang áp dụng trên địa bàn TP. Long Xuyên đối với hộ gia đình là 2.500 đồng/m3, cơ quan hành chính sự nghiệp là 3.750 đồng/m3, cơ sở sản xuất 5.000 đồng/m3, cơ sở kinh doanh dịch vụ 6.250 đồng/m3.
|
Theo lý giải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 4 năm qua ngành điện chưa điều chỉnh giá điện EVN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất – kinh doanh cung ứng điện; mất cân bằng về tài chính, dù cắt giảm chi phí rất lớn. Nguyên nhân do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao.
|
HỮU HUYNH