Ngày 27/4/2024, Trường Tiểu học Lan Mẫu (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã khai giảng khóa học bơi và phòng chống đuối nước 2024. Đại diện nhà trường thông tin, thời gian nghỉ hè của học sinh đang tới gần, để đề phòng đuối nước cho các em, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dạy các em biết bơi.
Ngày 3/5, Trường THPT Hoàng Mai 2 (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) phối hợp với Công an thị xã Hoàng Mai tổ chức khai giảng lớp dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho học sinh nhà trường. Ông Nguyễn Xuân Bài – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là hoạt động nằm trong chương trình, nội dung của mô hình phối hợp giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống cho học sinh. Tham gia lớp bơi có 70 học sinh đến từ các lớp 10,11, 12. Lớp học diễn ra trong thời gian 7 ngày và hoàn toàn miễn học phí cho học sinh. Mục tiêu đặt ra là 100% học sinh đều biết bơi sau khi kết thúc khóa học.
Nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Ninh Bình,… cũng tổ chức phát động trẻ em tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước kết hợp với tổ chức khai mạc hè 2024. Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Hoa Lư (Ninh Bình) vừa phối hợp với Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh Ninh Bình tổ chức lớp dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học năm 2024. Hoạt động này sẽ được tổ chức xuyên suốt trong dịp hè để học sinh vừa có được sân chơi lành mạnh, bổ ích, đồng thời giúp các em rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực, kỹ năng tự vệ, sự tự tin và giảm thiểu tai nạn đuối nước trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Trong khi đó, đối với các trường học ở phía Nam, do đặc điểm thời tiết thuận lợi hơn miền Bắc nên việc dạy và học bơi có thể tổ chức quanh năm. Định kỳ thứ 7 và Chủ nhật mỗi tuần từ cuối tháng 2/2024, học sinh của Trường THCS An Phú Đông (quận 12, TPHCM) được học bơi trong chương trình phổ cập bơi tại hồ bơi Trường THPT Võ Trường Toản. Chương trình học kéo dài trong 12 buổi (mỗi buổi 90 phút) và cuối khóa học, học sinh sẽ được Trung tâm Thể dục thể thao Quận 12 phối hợp với Liên đoàn thể thao dưới nước TPHCM tổ chức kiểm tra và caaos chứng nhận hoàn thành “Tiêu chuẩn học đường về bơi lội và an toàn nước” cho học sinh theo quy định.
Việc đưa môn bơi lội vào chương trình giảng dạy chính khóa của bộ môn thể dục ở nhiều trường được phụ huynh và học sinh ủng hộ, tạo nhiều hứng khởi trong học sinh. Các em được trang bị những kỹ năng, như tập làm quen với nước, nín thở và thở trong nước; kỹ thuật tập lướt nước; kỹ thuật tập nổi trong nước; kỹ thuật tập động tác chân; kỹ thuật bơi; một số luật cơ bản trong bơi lội; kỹ năng sống sót và cứu đuối… Đây là những kỹ năng cần thiết trong xử lý các tình huống đuối nước hay giúp đỡ người bị đuối nước trong cuộc sống được đánh giá là kỹ năng sinh tồn quan trọng cần được trang bị cho mỗi người.
Dẫu vậy, khó khăn vì thiếu bể bơi khiến cho việc phổ cập bơi lội gặp nhiều khó khăn. Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy: Chỉ có khoảng 0,47% số trường tiểu học; 0,25% số trường THCS và 0,41% số trường THPT có bể bơi. Số học sinh tiểu học biết bơi chiếm tỷ lệ chưa đến 30%. Có thể nói, thực trạng thiếu thốn bể bơi đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy bơi trong nhà trường, khiến tỷ lệ học sinh biết bơi còn rất khiêm tốn.
Việc đưa môn bơi vào trường học là một trong những chủ trương của Bộ GDĐT, Sở GDĐT nói chung và các nhà trường nói riêng, song khó khăn về cơ sở vật chất vẫn đang là rào cản lớn. Để khắc phục những hạn chế này không thể một sớm, một chiều nên nhà trường và gia đình cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo các địa phương nên cân nhắc phương án xã hội hóa, linh hoạt trong huy động nguồn lực để đẩy nhanh quá trình xây dựng và duy trì hoạt động của các bể bơi trong trường học. Tùy điều kiện, các nhà trường, địa phương có thể kết hợp với các bể bơi có sẵn trên địa bàn, lắp đặt bể bơi thông minh di động… để công tác phổ cập bơi lội được triển khai thuận lợi.
Nguồn: https://daidoanket.vn/noi-lo-duoi-nuoc-o-tre-em-10279945.html