Với đối tượng thụ hưởng chính sách rộng, việc triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02) được kỳ vọng nối lại dòng tiền cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chế biến xuất khẩu, đồng thời cũng giảm áp lực tài chính tiêu dùng.
Ngay sau khi NHNN ban hành Thông tư 02, hệ thống ngân hàng các địa phương đã tích cực vào cuộc để triển khai chính sách này trên thực tiễn.
Tại TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam, các chi nhánh NHNN trên địa bàn đều đã có văn bản chỉ đạo hệ thống TCTD lập tức vào cuộc rà soát khách hàng, tổng hợp nhu cầu vay vốn, nhu cầu giãn hoãn thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để kịp thời hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, cơ quan này đã có văn bản chỉ đạo hệ thống TCTD trên địa bàn triển khai ngay các quy định của Thông tư 02 và Thông tư 03/2023/TT-NHNN (Thông tư 03). Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD tập trung phổ biến đến tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch, thực hiện rà soát, thống kê nhóm khách hàng phù hợp với các quy định của chính sách hỗ trợ để triển khai cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng giảm bớt áp lực trả nợ vay và tiếp cận được nguồn vốn bổ sung mới nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, tất cả các TCTD trên địa bàn đều đã được phổ biến và yêu cầu triển khai ngay các chính sách hỗ trợ tín dụng theo Thông tư 02 và Thông tư 03.
Theo đánh giá của NHNN chi nhánh các tỉnh, so với các chính sách giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ giai đoạn xảy ra dịch Covid-19, đối tượng thụ hưởng chính sách lần này của Thông tư 02 có độ bao phủ rộng hơn, bao gồm cả các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh và khách hàng vay tiêu dùng gặp khó khăn do các nguyên nhân khách quan.
Vì thế, Thông tư 02 có “độ phủ sóng” đối với hầu hết các mục đích vay của nền kinh tế. Do đó, các TCTD sẽ phải có thời gian rà soát, tổng hợp để triển khai thực tiễn. Tuy nhiên, về cơ bản các nghiệp vụ cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hầu hết các TCTD đều đã có kinh nghiệm triển khai giai đoạn trước nên việc triển khai lần này sẽ không gặp khó khăn.
Từ góc độ NHTM, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, hiện nay ở nhiều NHTM số dư nợ đã được tái cơ cấu theo các quy định trước đây của NHNN đã không còn đáng kể và đã được trích lập dự phòng. Vì thế, việc nối tiếp chính sách này là rất phù hợp và kịp thời trong bối cảnh hiện nay. Bởi sau hơn 3 năm chịu tác động của dịch Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, khó trả được nợ đúng hạn.
“Ngay khi chính sách cơ cấu nợ đi vào thực tế, áp lực trả nợ trước mắt của các doanh nghiệp sẽ được nới lỏng, nhất là các doanh nghiệp đang có dư nợ lớn và thiếu đơn hàng gối đầu”, ông Tùng nhận định.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thời báo Ngân hàng, hiện nay ở nhiều địa phương khu vực phía Nam nhiều doanh nghiệp có nhu cầu giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ để tăng cơ hội vay bổ sung vốn lưu động để thu mua nguyên liệu sản xuất xuất khẩu là khá lớn.
Tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất xuất khẩu đồ gỗ, chế biến nông thủy sản đều bày tỏ mong muốn được các ngân hàng xem xét giãn nợ và cho vay bổ sung vốn lưu động. Chẳng hạn, ông Đinh Xuân Quang, Giám đốc Công ty TNHH Đông Hưng (Đồng Nai) cho biết, hiện nay áp lực trả nợ của doanh nghiệp này khá lớn.
Về phía ngân hàng, hoạt động hỗ trợ cơ cấu nợ cũng đã bắt đầu được các NHTM triển khai. Việc kết nối và mở rộng cho vay doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng đang được thúc đẩy khá mạnh.
Theo nhận định của một số chi nhánh NHTM tại TP. Biên Hòa, với việc triển khai chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trong các tháng quý II và quý III/2023 dư nợ cho vay các doanh nghiệp chế biến, sản xuất xuất khẩu sẽ tăng mạnh, bởi tỷ trọng dư nợ nhóm khách hàng này ở nhiều ngân hàng hiện nay đang khá cao và nhiều doanh nghiệp đang rất cần bổ sung vốn lưu động để duy trì sản xuất, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu khi các thị trường lớn như Trung Quốc được nối lại.