Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Nổi gió”- Biểu tượng phim cách mạng lên sóng Cine7

NDO - Ra mắt năm 1966, bộ phim “Nổi gió” của đạo diễn Huy Thành - chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm được đánh giá là một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển về đề tài chiến tranh. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bộ phim một lần nữa được sống lại qua chương trình Cine7 - Ký ức phim Việt, phát sóng lúc 21 giờ 10 phút ngày 12/4, trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân11/04/2025


Bộ phim kể về nhân vật Vân - nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung. Sau một thời gian dài gặp lại người em trai thất lạc trong chiến tranh, cô đau đớn phát hiện ra em mình - Phương lại là một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Phim khắc họa sâu sắc sự đối lập về tư tưởng giữa hai chị em Vân và Phương trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc, nhiều gia đình có con thuộc hai phe đối lập. Những xung đột gia đình trở thành tấm gương phản chiếu cuộc đấu tranh tư tưởng của cả dân tộc. Khi mỗi con người phải đưa ra lựa chọn của riêng mình giữa danh dự, tình thân và lý tưởng.

Qua câu chuyện của Phương và Vân, bộ phim không chỉ tái hiện hiện thực lịch sử đầy biến động mà còn tôn vinh tinh thần yêu nước và lòng trung kiên của những con người dám đấu tranh vì chính nghĩa.

“Nổi gió”- Biểu tượng phim cách mạng lên sóng Cine7 ảnh 1

Tiến sĩ Ngô Anh Đào (con gái cố Nghệ sĩ nhân dân Thụy Vân) và Tiến sĩ Ngô Phương Lan chia sẻ về bộ phim "Nổi gió" trong Chương trình Cine7.

Không chỉ thành công trong việc xây dựng kịch tính và chiều sâu tâm lý nhân vật, “Nổi gió” còn gây ấn tượng mạnh với khán giả bởi những màn đối thoại sắc sảo, giàu tính triết lý. Bộ phim đã giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất năm 1970.

Đánh giá về bộ phim, nhà phê bình điện ảnh, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng: Một trong những thành công của “Nổi gió” là khắc họa được hình tượng nhân vật nữ có tính biểu tượng - nhân vật Vân - một người phụ nữ vừa kiên trung, vừa mạnh mẽ nhưng cũng đầy xót thương, do cố Nghệ sĩ nhân dân Thụy Vân thủ vai.

“Nổi gió”- Biểu tượng phim cách mạng lên sóng Cine7 ảnh 2

Cảnh quay nhân vật Vân bị địch tra tấn, đốt mười đầu ngón tay. (Ảnh: Đài Truyền hình Việt Nam cung cấp)

Trong phim, Vân là một chiến sĩ cách mạng. Chiến tranh đã tước đi của cô cả gia đình, cả người em trai và đau xót hơn cả, con trai cô dù mới 3 tuổi cũng bị hạ sát trong tù. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng chưa bao giờ có thể làm lung lay ý chí và lòng kiên định của người phụ nữ ấy. Có lẽ vì thế mà “Nổi gió” đã thể hiện rõ nét một yếu tố đặc sắc của điện ảnh Việt - đó là “tính nữ”.

Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nhân vật nữ trong phim không chỉ đại diện cho tình yêu thương, sự thủy chung và hy sinh mà còn là biểu tượng của sự bền bỉ vượt lên gian khó, đại diện cho phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.

Không phải là con gái miền nam, sinh ra ở miền bắc, nhưng Nghệ sĩ nhân dân Thụy Vân đã hóa thân đầy thuyết phục vào vai người phụ nữ Bến Tre, khiến khán giả liên tưởng đến hình ảnh “Đội quân tóc dài” gắn liền với tên tuổi nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Một trong những cảnh quay gây ám ảnh nhất là khi nhân vật Vân bị địch tra tấn bằng cách đốt mười đầu ngón tay. Chia sẻ về cảnh quay để đời này, Tiến sĩ Ngô Anh Đào - con gái của Nghệ sĩ nhân dân Thụy Vân cho biết: “Đây là cảnh quay đạo diễn Huy Thành yêu cầu chỉ thực hiện một lần duy nhất. Tay mẹ tôi được quấn băng, đắp thạch cao và đốt bên ngoài. Bên cạnh luôn có người cầm sẵn xô nước để sẵn sàng ứng cứu khi cần. Khi tôi hỏi mẹ có sợ không, mẹ chỉ đáp: Không. Trong khoảnh khắc đó, mẹ là chị Vân”.


“Nổi gió”- Biểu tượng phim cách mạng lên sóng Cine7 ảnh 3

Nghệ sĩ Thu Hằng - vợ cố Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh chia sẻ về vai diễn để đời của chồng -Trung úy Phương.

Bộ phim "Nổi gió" được sản xuất vào những năm 1960, khi chiến tranh vô cùng khốc liệt. Mặc dù khắc họa cuộc chiến của bà con đồng bào miền nam, nhưng đoàn phim phải quay tại một bối cảnh khác là nông trường Quý Cao tại Hải Phòng - nơi tập trung đông đảo đồng bào miền nam tập kết ra bắc.

Khi nghe có đoàn phim về làm phim muốn khắc họa bối cảnh quê hương, bà con rất mừng. Mỗi người góp một tay tạo dựng bối cảnh, từ nhà lá, cầu khỉ đến từng cái ghế, từng bộ ấm chén trong nhà. Và thế là một miền tây sông nước Bến Tre ra đời ngay tại Hải Phòng.

Các diễn viên chính của bộ phim như cố Nghệ sĩ Nhân dân Thụy Vân, cố Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh (vai Trung úy Phương) cũng phải dành hàng tháng trời tới Quý Cao thực tế, để tập sống cuộc sống của người Bến Tre.

Nghệ sĩ Thu Hằng - vợ của Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh cho biết, mặc dù ngày ấy phim vô cùng quý giá, nhưng đạo diễn Huy Thành vẫn sẵn sàng quay tới 400m phim rồi bỏ, vì chưa chọn được người vào vai Trung úy Phương ưng ý. Mãi tới khi gặp Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh, ông mới thực sự thấy hài lòng. Nhân vật Trung úy Phương sau này đã trở thành vai diễn để đời, gắn liền với tên tuổi của cố Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh trong lòng nhiều thế hệ khán giả.

Là tác phẩm chuyển thể từ kịch, "Nổi gió" mang theo nhiều đặc điểm của sân khấu, lời thoại chỉn chu, cô đọng, mang hàm lượng triết lý cao, dưới bàn tay đạo diễn Huy Thành cùng diễn xuất giàu cảm xúc của dàn diễn viên, ngôn ngữ kịch được “mềm hóa” để trở thành lời nói tự nhiên, chân thực và đầy xúc động.

Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, chính sự chắt lọc trong ngôn ngữ và chiều sâu tư tưởng đã giúp “Nổi gió” vượt lên trên một tác phẩm điện ảnh thông thường, trở thành biểu tượng của dòng phim cách mạng - nơi ký ức, lịch sử và nhân văn được thăng hoa bằng nghệ thuật.

"Nổi gió" không chỉ là một tác phẩm điện ảnh, mà còn là một lát cắt lịch sử mang đậm dấu ấn thời đại. Trên nền bối cảnh chiến tranh khốc liệt, bộ phim khắc họa những số phận con người đầy day dứt, phản ánh sâu sắc cuộc đấu tranh tư tưởng giữa tình thân và lý tưởng.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, “Nổi gió” vẫn giữ nguyên giá trị nghệ thuật và tinh thần nhân văn, trở thành biểu tượng của phim cách mạng Việt Nam. “Nổi gió” được giới thiệu lại trên Cine7 - Ký ức phim Việt là dịp để khán giả hôm nay hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử đầy lý tưởng và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.

Nguồn: https://nhandan.vn/noi-gio-bieu-tuong-phim-cach-mang-len-song-cine7-post871529.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm