Chính sách Zero Covid-19 với các lệnh phong toả nghiêm ngặt được áp dụng trong 3 năm xảy ra đại dịch, dù đã được Trung Quốc dỡ bỏ từ tháng 12/2022, nhưng những tác động của nó vẫn được cảm nhận rõ từ thị trường lao động, việc làm.
Tấm bằng đại học không còn là bảo chứng giúp các sinh viên mới tốt nghiệp Trung Quốc tìm được một công việc tốt. (Nguồn: EPA-EFE) |
Sau khi tìm kiếm hơn 50 vị trí trên nhiều cổng thông tin việc làm khác nhau, Connie Xu (22 tuổi) cuối cùng đã nhận được cơ hội phỏng vấn thực tập tại một công ty ở một thành phố lớn của Trung Quốc.
Mới tốt nghiệp tháng Sáu với tấm bằng Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc loại khá, Xu khá tự tin mình sẽ trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí này, đặc biệt là với nhiều kỹ năng mềm và kinh nghiệm đứng lớp cô có được từ các dự án ở trường đại học.
Bước vào cuộc phỏng vấn với tâm thế tự tin cùng kỳ vọng sẽ sớm có được một công việc tốt, nhưng Connie Xu nhanh chóng thất vọng khi bị từ chối.
“Công ty đánh giá tôi vẫn còn quá non nớt. Theo lời của người phỏng vấn tôi, tôi khác gì một tờ giấy trắng không có bất kỳ kinh nghiệm làm việc thực tế nào”, Xu buồn bã chia sẻ.
Trong tương lai gần, Xu cho biết cô tin rằng những người không có kinh nghiệm thực tập sẽ tiếp tục là những người đầu tiên bị loại hồ sơ sớm trong quá trình nộp đơn. Cô lưu ý, ngay cả nhiều người bạn của cô dù đạt điểm xuất sắc nhưng cũng chưa tìm được việc làm.
Mắc kẹt vì thiếu kinh nghiệm
Trường hợp của Xu khá phổ biến và cô không đơn độc trong cuộc đấu tranh tìm việc làm của 11,58 triệu sinh viên mới tốt nghiệp và gia nhập thị trường lao động Trung Quốc trong năm nay.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ tại quốc gia này (từ 16 đến 24 tuổi) tiếp tục gia tăng trong tháng 5 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay – 20,8%, tăng từ tỷ lệ 20,4% vào tháng 4 năm nay.
Chính sách Zero Covid-19 với các lệnh phong toả nghiêm ngặt được áp dụng trong 3 năm xảy ra đại dịch, dù đã được Bắc Kinh dỡ bỏ từ tháng 12/2022 nhưng những tác động của chính sách này vẫn được cảm nhận rõ từ thị trường lao động, việc làm.
Phần lớn các sinh viên đại học tốt nghiệp khóa 2023 gặp nhiều khó khăn khi phải vật lộn thuyết phục nhà tuyển dụng tin tưởng khả năng đảm nhận công việc thực tế.
“Bốn năm đại học nhưng chúng tôi đã bị mắc kẹt trong khuôn viên trường học đến ba năm, vậy chúng tôi sẽ lấy kinh nghiệm ở đâu. Các công ty đều đang gấp rút cắt giảm việc làm nên nếu tuyển dụng, họ sẽ tuyển dụng những người có thể đảm nhận nhiều vai trò”, Xu than thở.
Thông thường quá trình tìm việc của sinh viên chưa tốt nghiệp Trung Quốc sẽ bắt đầu vào kỳ học mùa Thu của năm cuối, khi các công ty lớn tổ chức các đợt tuyển dụng tại các trường đại học, cao đẳng với mục đích bổ sung nguồn nhân lực cho doanh nghiệp
Giai đoạn tuyển dụng mùa Xuân tiếp theo, thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, sẽ bổ sung tiếp những vị trí trống còn lại trong doanh nghiệp, tuy nhiên thường sẽ ít chỗ hơn cho các sinh viên tốt nghiệp. Ngay cả với những sinh viên đã tìm được việc làm – thường là với sự giúp đỡ của trường đại học – cũng chưa chắc đã tìm được công việc phù hợp và thuận lợi nhất.
Mo Haonan, sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng ở Hàng Châu than thở, dù đã tìm được cơ hội thực tập thông qua một đợt tuyển dụng do trường đại học tổ chức nhưng sau một thời gian ngắn, anh lại bị từ chối nhận vào chính thức sau khi hỗ trợ một vài dự án của công ty.
“Các công ty thường tận dụng chúng tôi như một nguồn lao động chi phí thấp. Sau khi hoàn thành một dự án, họ không kiếm được khách hàng và sa thải chúng tôi mà không đền bù nhiều”, Mo Haonan nói.
Nghịch lý đào tạo và thị trường
Bà Miriam Wickertsheim, chuyên gia tuyển dụng của một số công ty nước ngoài có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết, những sinh viên mới tốt nghiệp mà cô từng phỏng vấn gần đây thường kém hấp dẫn với các nhà tuyển dụng hơn do chỉ có bằng được cấp trực tuyến.
Bà cho biết: “Những ứng viên tham gia phỏng vấn cho biết chủ yếu học từ xa nên có ít hoạt động xã hội và ít cơ hội làm việc trực tiếp hơn, từ đó khó phát triển tinh thần đồng đội và kỹ năng xã hội. Các nhà tuyển dụng đểu đang đợi lứa sinh viên tốt nghiệp tiếp theo”.
Theo chuyên gia tuyển dụng này, một trong những lý do khiến lứa sinh viên tốt nghiệp năm 2023 của Trung Quốc khó tìm việc làm đến từ việc nhiều công ty tư nhân nhỏ của Trung Quốc vẫn đang phải gắng gượng để phục hồi sau đại dịch.
“Ngay cả khi các công ty đang đăng tin tuyển dụng, thì đó cũng là những vị trí thay thế chứ không phải mở rộng. Sẽ phải mất khá nhiều thời gian và nguồn lực nếu một công ty tuyển dụng một sinh viên mới tốt nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực này để gia tăng giá trị kinh tế cho công ty. Hiện tại, nhất là trong bối cảnh môi trường kinh doanh đầy thách thức, rất nhiều công ty không muốn đầu tư vào công tác đào tạo, đặc biệt là khi những sinh viên mới tốt nghiệp chưa thể tạo ra doanh thu và mang tính biến động cao”, bà Wickertsheim phân tích.
Việc nhiều người trẻ chọn học những khối ngành theo sở thích mà không phải là những khối ngành phổ biến mà nền kinh tế đang cần, theo bà Wickertsheim, cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc gia tăng.
Các chuyên gia cho rằng, giáo dục đã và đang vượt xa nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc vốn chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất. Thay vì bằng cấp cao, điều cần thiết hơn đối với người lao động là đào tạo kỹ thuật và dạy nghề cho các công việc như vận hành thiết bị phức tạp hoặc vận hành hệ thống tự động.
Một cuộc khảo sát tiến hành năm 2022 của công ty nghiên cứu ICWise (Trung Quốc) cho thấy, hơn 60% sinh viên theo học ngành kỹ thuật chip tốt nghiệp tại đại lục không hề có kinh nghiệm thực tập trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, lĩnh vực bán dẫn dự kiến sẽ thiếu 200.000 nhân sự trong năm nay. Trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), số lượng cơ hội việc làm không tuyển dụng được người phù hợp còn lớn hơn, với khoảng 5 triệu vị trí.
Trước thực trạng cứ năm người thuộc nhóm nhân khẩu học 16-24 thì có một người không thể tìm được việc làm, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ sớm giải quyết và không để cho tình hình thêm tồi tệ.
Ngày 1/6 vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố chiến dịch 100 ngày trên toàn quốc nhằm “hướng dẫn các sinh viên tốt nghiệp chủ động tìm kiếm việc làm và giúp nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học tìm được việc làm sớm nhất, trước và sau khi rời ghế nhà trường”.
Tuy nhiên, theo Eddie Cheng, một chuyên gia tuyển dụng, vẫn có một chút may mắn dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp khi những vị trí quản lý cấp trung kém hiệu quả hoặc không thiết yếu thường là những vị trí đầu tiên bị sa thải và các công ty có thể nhắm đến các thực thập sinh cho những vị trí này.
“Một số công ty thường sa thải các vị trí cấp trung hoặc cấp cao và thuê sinh viên mới tốt nghiệp vì chi phí rẻ hơn. Họ sẵn sàng trả ít tiền hơn để thuê một sinh viên mới tốt nghiệp và đào tạo trong vài năm. Chi phí thuê một tổng giám đốc có thể ngang bằng với việc thuê hơn 30 sinh viên mới tốt nghiệp”, ông dẫn chứng.