Nước Pháp không phải nơi duy nhất trải qua những nỗi đau của nạn phân biệt chủng tộc và vụ việc của thiếu niên Nahel chỉ là giọt nước làm tràn chiếc ly oán giận của tầng lớp lao động vốn bị gạt ra rìa xã hội.
Cảnh sát Pháp tuần tra tại Paris trong ngày 5/7. (Nguồn: AP) |
Làn sóng biểu tình như vũ bão tại Pháp sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên da màu đã khiến đất nước này chao đảo trong suốt tuần đầu tiên của tháng Bảy. Nhưng hành vi bạo lực của cảnh sát không phải là nguyên nhân chính khiến các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo loạn. Nguồn cơn sâu xa của tình trạng mất kiểm soát an ninh này là một sự thật đau lòng: nạn phân biệt chủng tộc.
Tồi tệ hơn, đây không phải là vấn đề của riêng nước Pháp hay châu Âu mà là một thách thức lớn đối với vấn đề nhân quyền trên thế giới, đòi hỏi các chính phủ phải có cách tiếp cận đúng đắn, những cam kết mạnh mẽ và giải pháp mạnh tay.
Nỗi đau của nước Pháp
Ngày 29/6, Nahel Merzouk – thiếu niên 17 tuổi gốc Algeria bị cảnh sát Pháp bắn chết vì không tuân thủ lệnh dừng xe để kiểm tra giao thông. Đây không phải lần đầu tiên có người thiệt mạng do các hành vi bạo lực của cảnh sát và cũng không phải lần đầu tiên người Pháp xuống đường để bày tỏ sự phẫn nộ và đòi công lý cho các nạn nhân.
Nhưng đây là lần đầu tiên các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo loạn, đốt phá, cướp bóc chỉ trong một thời gian ngắn, xảy ra ở phạm vi rộng hơn với tính chất nguy hiểm hơn. Dường như không có gì được an toàn trước cơn thịnh nộ của đám đông kích động, từ siêu thị, cửa hàng, bưu điện đến thư viện, trường học, đồn cảnh sát và thậm chí cả tòa thị chính. Hiệp hội các thị trưởng Pháp nhận định bạo lực đã nhắm vào “các biểu tượng của nền cộng hòa”, gây ra những thiệt hại nặng nề chưa từng có.
Có ý kiến cho rằng đây chính là phần tiếp theo của các sự kiện gây chấn động nước Pháp hồi năm 2005 xuất phát từ lý do tương tự. Hai thiếu niên da màu Zyed Benna và Bouna Traore đã bị điện giật chết khi đang chạy trốn một cuộc truy đuổi của cảnh sát. Vụ việc đã khiến các “vùng ngoại ô” – nơi sinh sống của những người gốc nhập cư ở Pháp chìm trong bạo loạn tới 3 tuần. Sự kiện này được coi là cột mốc đánh dấu thời điểm các cộng đồng da màu bị xa lánh, kì thị ở Pháp bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ hơn để đòi quyền được đối xử công bằng.
Đã 17 năm trôi qua nhưng vụ việc của Nahel đã đưa “bóng ma” bạo loạn năm 2005 trở lại ám ảnh nước Pháp hơn rất nhiều lần. Điều này cho thấy khoảng cách chủng tộc gần như không được cải thiện và những nỗi đau phân biệt chủng tộc vẫn âm ỉ cháy trong lòng nước Pháp trong nhiều thập kỷ qua.
Pháp luôn tuyên bố nước này là một nền cộng hòa “mù màu”, nghĩa là chính quyền không điều tra dân số hay thu thập dữ liệu nào khác liên quan đến chủng tộc của các công dân. Theo đó, không người Pháp nào bị phán xét dựa trên tôn giáo hay màu da của họ. Pháp khẳng định mọi công dân đều là người Pháp và chính quyền phải kiên quyết tránh mọi hình thức phân biệt đối xử.
Đó là “triết lý” mà Pháp theo đuổi, nhưng thực tế lại khác rất xa. Theo tờ Le Monde, thanh niên “vùng ngoại ô” luôn chật vật hơn bạn bè da trắng để tìm được một công việc phù hợp. Cơ quan nghiên cứu chính sách đô thị quốc gia Pháp công bố báo cáo cho thấy khả năng xin việc thành công của một người dân “vùng ngoại ô” thấp hơn 22% so với những người sống ở các thành phố lớn.
Số ứng viên có tên gốc Arab nhận được phản hồi tích cực thấp hơn các ứng viên gốc Pháp tới 25%. Kể cả khi đã được nhận vào làm việc, họ ít khi được đối xử công bằng với các đồng nghiệp da trắng về mức lương, đãi ngộ cũng như cơ hội thăng tiến. Nghiên cứu của Cơ quan nhân quyền Pháp chỉ ra rằng nam thanh niên da màu hoặc Arab có khả năng bị cảnh sát yêu cầu dừng xe cao gấp 20 lần so với những nhóm người khác.
Theo một báo cáo tháng 2/2023 của Hiệp hội người da đen Pháp, 91% người da den ở nước này nói rằng họ là nạn nhân của phân biệt chủng tộc. Các hành vi phân biệt xảy ra nhiều nhất ở những nơi công cộng (41%) và nơi làm việc (31%). Những lý do khiến cộng đồng người da màu bị xa lánh bao gồm khác biệt về tôn giáo, khoảng cách giàu – nghèo, tỷ lệ thất nghiệp và tội phạm cao.
Vì không được tạo điều kiện để hòa nhập, họ luôn cảm thấy mặc cảm và lạc lõng ngay trong chính đất nước mình. Vì không được trao cơ hội, họ gần như không thể thoát khỏi nghèo đói. Đó cũng là lí do vì sao họ dễ dàng bị lôi kéo vào các hoạt động phi pháp. Phạm tội nhiều nên bị kì thị, và càng bị kì thị, cô lập thì càng dễ phạm tội. Vòng luẩn quẩn này khiến tình trạng phân biệt chủng tộc ngày càng lún sâu không lối thoát.
Tình trạng mất an ninh vừa qua là hệ quả của sự phân hóa và rạn nứt kéo dài trong xã hội Pháp. So với những thập kỷ trước, tính chất của các cuộc biểu tình đã thay đổi. Ngày nay, không chỉ những người da màu, người nhập cư, người có thu nhập thấp lên tiếng đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng của mình, mà còn có sự tham gia của nhiều người gốc Pháp, da trắng, tầng lớp tri thức.
Theo các báo cáo, phần lớn những hành vi bạo loạn do nhóm vị thành niên 14-18 tuổi gây ra. Chắc chắn chính quyền ở Paris sẽ không muốn thế hệ tương lai của nước Pháp lớn lên cùng cơn thịnh nộ và sự thù hận do nạn phân biệt chủng tộc.
Nước Pháp không phải nơi duy nhất trải qua những nỗi đau của phân biệt chủng tộc và vụ việc của thiếu niên Nahel chỉ là giọt nước làm tràn chiếc ly oán giận của tầng lớp lao động vốn bị gạt ra rìa xã hội.
Đòi công lý cho Nahel hay bất cứ nạn nhân nào khác của bạo lực cảnh sát có nghĩa là đòi công lý cho những đối tượng yếu thế, lạc lõng. Đòi công bằng cho dân cư “vùng ngoại ô” cũng là đòi công bằng cho các nhóm dễ bị tổn thương khác ở Pháp, ở châu Âu và trên toàn thế giới.
Nước Pháp không phải nơi duy nhất trải qua những nỗi đau của nạn phân biệt chủng tộc và vụ việc của thiếu niên Nahel chỉ là giọt nước làm tràn chiếc ly oán giận của tầng lớp lao động vốn bị gạt ra rìa xã hội. Đòi công lý cho Nahel hay bất cứ nạn nhân nào khác của bạo lực cảnh sát có nghĩa là đòi công lý cho những đối tượng yếu thế, lạc lõng. Đòi công bằng cho dân cư “vùng ngoại ô” cũng là đòi công bằng cho các nhóm dễ bị tổn thương khác ở Pháp, ở châu Âu và trên toàn thế giới. |
Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: AFP) |
Đi tìm giải pháp toàn diện
Chính phủ Pháp đã nhanh chóng lên tiếng sau sự kiện cảnh sát bắn chết chàng trai trẻ da màu Nahel, nhưng không có phát biểu nào thừa nhận vụ việc có liên quan đến phân biệt chủng tộc. Tổng thống Emmanuel Macron gọi hành vi của viên cảnh sát là “không thể giải thích và không thể bào chữa”.
Điện Elysee thì nhấn mạnh đây là “hành động cá nhân”, không đại diện cho tinh thần của cảnh sát Pháp. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định “bất kỳ cáo buộc nào về phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt đối xử có hệ thống của cảnh sát ở Pháp là hoàn toàn vô căn cứ”.
Tuy nhiên, các nhà xã hội học không cho rằng vụ việc của Nahel là “không thể giải thích” như nhận định của Tổng thống Pháp, mà lời giải thích chính là sự phân biệt chủng tộc. Những định kiến đối với những người “vùng ngoại ô” là thực tế không thể chối cãi ở Pháp.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cũng ra tuyên bố cho rằng “đây là lúc để Pháp giải quyết nghiêm túc các vấn đề sâu xa về phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong việc thực thi pháp luật”.
Viên cảnh sát bắn chết Nahel đã bị truy tố vì tội cố ý giết người, mặc dù giới chức cảnh sát Pháp bênh vực rằng đồng nghiệp của họ chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhưng dù bản án dành cho bị cáo có nặng tới mức nào thì đây cũng không phải lời giải cho những vấn đề gai góc và dai dẳng đang chia rẽ xã hội Pháp.
Theo nhà nghiên cứu Pavel Timofeyev – Giám đốc Khoa Nghiên cứu chính trị châu Âu tại Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế của Viện hàn lâm Khoa học Nga, vấn đề không nằm ở cơ chế thực thi pháp luật của cảnh sát Pháp, mà nằm ở mối quan hệ giữa họ và những cộng đồng thiểu số như người gốc nhập cư, người da màu, người theo đạo Hồi…
Tất nhiên, những khác biệt về nguồn gốc, văn hóa, sắc tộc, tôn giáo là những rào cản. Nhưng thực tế cho thấy chính phủ Pháp chưa thực sự tạo điều kiện giúp cộng đồng “vùng ngoại ô” hòa nhập với xã hội. Paris cũng tỏ ra thờ ơ khi không có những chính sách quyết liệt để cởi bỏ những định kiến đối với những người gốc nhập cư.
Trước hết, Pháp cần thẳng thắn thừa nhận sự tồn tại của nạn phân biệt chủng tộc ở nước này. Chỉ khi nhận thức rõ ràng về những nguy cơ an ninh, xã hội mà nạn phân biệt chủng tộc có thể gây ra, thì chính phủ Pháp mới có thể hành động đúng đắn để thu hẹp khoảng cách giữa các cộng đồng. Đối với những người dân “vùng ngoại ô”, việc được công nhận là điều vô cùng quan trọng và là bước đi đầu tiên giúp họ trở thành một phần của xã hội Pháp.
Phân biệt chủng tộc không chỉ là vấn đề nhức nhối ở Pháp mà còn ở cả châu Âu. Các cuộc biểu tình rầm rộ và tình trạng bạo loạn vừa qua ở Pháp đã nhanh chóng lan rộng sang một số nước trong khu vực như Bỉ và Thụy Sỹ.
Tại Bỉ, cảnh sát đã bắt giữ hơn 60 người trong các vụ biểu tình diễn ra sau khi xuất hiện lời kêu gọi “hành động như ở Pháp” trên mạng xã hội.
Trong khi đó, tình hình ở Lausanne, Thụy Sỹ, có xu hướng bạo lực hơn khi những người biểu tình tấn công các cửa hàng và cảnh sát. Điều này cho thấy sự phẫn nộ về phân biệt chủng tộc không chỉ tồn tại ở Pháp mà ở khắp châu Âu – nơi nhập cư vẫn luôn là một vấn đề gây tranh cãi.
Điều đáng lo ngại là một số chính phủ châu Âu đã viện cớ các cuộc bạo loạn để siết chặt chính sách nhập cư, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang hy vọng vào một thỏa thuận về phân bổ số người xin tị nạn ở 27 nước thành viên.
Phe cực hữu trên khắp châu Âu cho rằng người nhập cư chính là nguyên nhân gây mất an ninh và họ không muốn chứng kiến những gì vừa xảy ra trên đường phố Pháp tái diễn tại đất nước của họ. Điều này có thể dẫn đến những diễn biến kém tích cực trong nỗ lực giải quyết tình trạng người di cư và càng khoét sâu thêm những hố đen ngăn cách giữa những người gốc nhập cư và xã hội bản địa.
Không có công thức chung nào cho các nước để giải quyết vấn nạn phân biệt chủng tộc, song đây chắc chắn không phải là chuyện mà các chính phủ có thể làm ngơ. Cố tình phớt lờ vấn đề chỉ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng và khó giải quyết hơn.
Việc thay đổi những quan điểm đã thâm căn cố đế trong xã hội là điều rất khó khăn, song không phải không thể thực hiện. Chỉ khi các chính phủ ý thức rõ rằng màu da hay tôn giáo không phải yếu tố quyết định bản chất con người, thì họ mới có thể đưa ra những chính sách phù hợp để đảm bảo mọi công dân đều được hưởng những quyền bình đẳng.