Bà chủ cho biết gánh bánh mì này là “nồi cơm” đã nuôi sống cả gia đình bà suốt mấy chục năm qua. Nay, con trai và con dâu kế nghiệp mẹ, mưu sinh với công thức làm bánh mì đặc biệt được dì của bà Cúc truyền lại.
“Ăn đây mấy chục năm, không bỏ được!”
Sáng sớm, tiện đường đi làm, tôi ghé gánh bánh mì của bà Nguyễn Thị Cúc (59 tuổi), cách nhà không quá xa. Gánh nằm ở một góc nhỏ phía trước chợ An Đông, mà nếu không phải khách quen hay không chú ý kỹ, thì không dễ để nhìn thấy. Nếu lỡ mà không thấy, thì cứ hỏi bánh mì của bà Cúc trước chợ, những người gần đó hầu như đều biết.
Khoảng 7 giờ sáng, giờ cao điểm người đi làm, bắt đầu một ngày mới, hàng bánh của bà Cúc cũng ồ ạt khách ghé. Với một cái bàn nhựa đơn giản, đặt lên trên là cái mâm với thịt khìa, xíu mại, rau sống, đồ chua, nước xốt…, hàng ăn của bà chủ nhìn hấp dẫn vô cùng.
Vừa bước tới, tôi đã nghe mùi xíu mại thơm phức. Bà Cúc cùng cậu con trai làm bánh mì cho khách liên tục để không ai chờ đợi lâu, cũng là để họ kịp giờ đi làm. Trong số những khách quen của bà chủ, có bà Trần Thị Hồng (56 tuổi), sống gần chợ An Đông.
Sáng nay, bà Hồng đi bộ từ nhà tới gánh bánh mì của bà Cúc mua 4 ổ xíu mại, về cho các thành viên trong nhà ăn sáng. Bà cho biết mình ăn ở quán này cũng ngót nghét 20 năm nay. Từ ngày ăn bánh mì bà Cúc, bà Hồng ít ăn bánh mì ở những chỗ khác.
Sau bà Hồng, tiếp tục là dòng khách liên tục đến gọi món. Bà chủ chiều khách tối đa, ai yêu cầu thêm bớt thành phần nào đó trong ổ bánh mì, bà đều vui vẻ đáp ứng. Đó cũng là một trong những lý do khiến chị Hạnh (26 tuổi, ngụ Q.5) mê gánh bánh mì này 4 năm nay.
“Hồi đó, tôi có coi một clip trên mạng về quán của cô. Thấy gần nhà mới tới mua ăn thử, ai ngờ ngon quá nên ăn tới giờ luôn. Tôi ăn nhiều chỗ rồi nhưng thấy chỗ cô bán là được nhất ở khu vực này, giá cũng vừa nên thành khách ruột luôn”, chị nói.
Cả gia đình cùng bán, con trai và con dâu kế thừa
Mỗi ổ bánh mì ở gánh bà Cúc có giá dao động từ 25.000 – 50.000 đồng. Tôi gọi thử một phần bánh mì xíu mại giá 25.000 đồng ăn thử và đúng như giới thiệu, sự kết hợp giữa xíu mại, rau sống, đồ chua cùng nước xốt sền sệt đậm đà.
Cá nhân tôi, đánh giá ổ bánh mì xứng đáng được điểm 8/10. Tất nhiên, gánh bánh mì này sẽ trở thành một trong những địa điểm ăn sáng trong danh sách của tôi bởi mỗi ngày, bà Cúc bán từ 6 – 11 giờ sáng.
Tâm sự với PV, bà chủ cho biết hồi còn nhỏ, vì mẹ mất sớm nên mới 13 tuổi, bà đã đi làm phục vụ quán cà phê mưu sinh. Ở tuổi 15, nghe lời dì, bà bỏ nghề rồi đi bán bánh mì, mọi công thức nấu đều do dì của bà truyền lại. Với bà, dì giống như mẹ, một người ơn đã cho bà cái nghề để mưu sinh.
Mới đầu bán, bà không ở yên một chỗ mà đi vòng ở khu vực Q.5. Sau, mới gắn bó trước khu vực chợ An Đông này, cũng đã 40 năm và cũng có lượng khách ruột đông đảo. Lấy chồng, có con, bà vẫn tiếp tục bán món ăn là “nồi cơm” đã nuôi sống mình ngày mới vào đời.
Giờ đây, con trai bà – anh Lữ Triều Khương (29 tuổi) đã lập gia đình và có con. Trước dịch, anh theo nghề bếp nhưng nhiều năm nay cũng đã theo phụ mẹ buôn bán. Vợ anh, cũng mở một xe bánh mì bán trên đường Phạm Hùng (Q.8). Chồng bà Cúc thì ở nhà phụ vợ công việc buôn bán. Bà chủ cười nói rằng cả gia đình mình đều sống nhờ quán bánh mì này.
Anh Khương cho biết bản thân ấp ủ kế thừa gánh bánh mì của mẹ. Vì học bếp nên từ những công thức mẹ truyền lại, anh có sự cải tiến đôi chút tạo nên sự cân bằng trong hương vị món ăn. Anh hy vọng tương lai không xa, có thể mở một quán bánh mì lớn hơn, từ công thức bánh mì của mẹ…