LỐI CHƠI KIỂM SOÁT BÓNG BỊ PHÁ SẢN HOÀN TOÀN
Chúng ta đừng ngộ nhận về những chỉ số kiểm soát bóng. Tỷ lệ kiểm soát bóng của VN trong cả trận là 57% so với Indonesia là 43%. Ngay ở thời điểm hiệp 1, khi thế trận tưởng như cân bằng, VN cũng chỉ có được 4 pha dứt điểm và chỉ có 1 cú đánh đầu trúng đích nhưng quá nhẹ. Còn đối thủ thì có tới 9 tình huống uy hiếp khung thành đối phương và nếu Nguyễn Filip không xuất sắc, số bàn thua có thể trên 1.
Quan trọng hơn, lối chơi kiểm soát ngắn nhỏ, gắn bó đẹp mắt đã bị phá sản hoàn toàn trước sức ép pressing của đội Indonesia. Tỷ lệ chuyền bóng chính xác của Tuấn Anh và đồng đội trong trận này chỉ là 75% (trong khi đó ở trận gặp Nhật Bản là 81%). Đây cũng là trận đấu mà đội tuyển VN thực hiện nhiều đường chuyền dài nhất dưới triều đại HLV Troussier (79 lần) tính đến lúc này và độ chính xác cũng ở mức thấp nhất (23 lần = 29%). Nó cho thấy sự bế tắc của một hệ thống khi lối chơi sở trường bị bắt bài, bị vô hiệu hóa hoàn toàn và ban huấn luyện thì cũng chưa sẵn sàng cho những phương án 2, 3.
Sau thất bại, các cầu thủ đã chia sẻ họ bị bất ngờ và bối rối trước sức ép và khả năng pressing tầm cao của Indonesia. Thông tin này cho thấy 3 điều: một là đội tuyển VN chưa có được sự chuẩn bị tốt, khả năng phân tích, nhận định đối thủ, phán đoán, đọc bài và những phương án dự kiến của HLV Troussier cũng là chưa tốt và có phần chủ quan. Hai là cho dù tập rất kỹ nhưng khả năng kiểm soát bóng và thoát pressing ở 1/3 sân nhà của đội VN cũng chưa tốt. Những gì đã thể hiện trong trận Nhật Bản chỉ là một thời điểm thăng hoa và đối thủ cũng có phần chủ quan chưa thể hiện hết sức mạnh. Và yếu tố cuối cùng là sự lựa chọn con người của ông Troussier là chưa chuẩn xác: lỗi cá nhân của Thanh Bình, sự lúng túng của Thái Sơn, sự yếu ớt của Tuấn Anh, sự lạc lõng của Quang Hải và cả sự vụng về của Văn Tùng. Tất cả đều tạo nên sự lủng củng và bất lực.
NHƯỢC ĐIỂM CỦA NGƯỜI TRẺ
Cả 2 trận đấu tại Asian Cup 2023, VN đều ra sân với đội hình xuất phát ở độ tuổi trung bình 25,1 hoặc 25,2, là một trong những đội bóng trẻ nhất giải đấu lần này. Và một lần nữa những màn trình diễn của các học trò của HLV Troussier đã cho thấy sự thất thường của người trẻ.
Trường hợp thứ nhất là trung vệ Thanh Bình, người đã từng mắc những sai lầm nghiêm trọng trong trận đấu lượt đi gặp Trung Quốc ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Anh đã thể hiện được sự tiến bộ một cách vững chắc và ổn định trong suốt thời gian vừa qua, nhưng trong trận gặp Indonesia lại phạm lỗi rất thô với tiền đạo đối thủ ngay trong vòng cấm. Vấn đề nằm ở chỗ, đó lại là một lỗi sơ đẳng mà ở những bài học vỡ lòng cũng đã từng được huấn luyện một cách cẩn thận và tỉ mỉ. Chứng tỏ tâm lý của Thanh Bình đang ở trạng thái bất ổn, và nếu quan sát kỹ hơn một chút nữa thì cũng sẽ thấy Bình là người thi đấu kém nhất của hàng phòng ngự trong trận Nhật Bản với những pha xử lý lập bập, thiếu tự tin.
Trường hợp thứ 2 là Thái Sơn, cầu thủ có những bước tiến thần tốc trong thời gian vừa qua. Người được coi là sản phẩm ưng ý nhất của ông Troussier cũng có một trận đấu không hề tốt khi để mất bóng tới 6 lần chỉ trong hiệp 1. Văn Tùng, Tuấn Tài, Minh Trọng cũng đã cho thấy những nhược điểm, những giới hạn của họ trong việc xử lý bóng cá nhân cũng như kết nối với đồng đội.
NHỚ HOÀNG ĐỨC, HÙNG DŨNG
Và một nguyên nhân khác khiến cho các cầu thủ trẻ đánh mất mình, vì họ không có chỗ dựa từ những cựu binh, từ những thủ lĩnh đích thực. Hàng phòng ngự thiếu Quế Ngọc Hải thì có cảm giác mạnh ai người ấy đá. Người có khả năng chỉ huy tốt nhất lại chính là Nguyễn Filip. Tuyến giữa, Tuấn Anh cũng chưa đạt được phong độ tốt nhất của bản thân nên cũng khó có thể đòi hỏi là chỗ dựa cho người khác. Lúc đó bỗng thấy nhớ… Hoàng Đức (anh bị đau nên không dự Asian Cup), Hùng Dũng (anh dự bị và không được dùng một phút nào) – những cựu binh đầy bản lĩnh và cũng rất giàu kinh nghiệm ở những trận cầu đỉnh cao, những đối thủ khó chịu.
Một trận thua toàn diện và đương nhiên cùng với đó là rất nhiều bài học. Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là trong khi Indonesia, Thái Lan kiên trì với hướng đi của họ trong nhiều năm qua với những định hướng cụ thể, chính xác, chất lượng và nhắm đến những lối chơi hiện đại, mang tính cập nhật bóng đá thế giới, thì dường như bóng đá VN vẫn loay hoay trong việc định hình lối chơi, lúng túng với những sự thử nghiệm cầu thủ, giữa những niềm tin mơ hồ về thế hệ già trẻ. Thất bại cho thấy đối thủ đang ổn định và tiến lên, còn chúng ta lại loay hoay và mất phương hướng. Đó mới là điều đáng lo nhất..