Những người đoạt giải năm nay trong lĩnh vực khoa học kinh tế đã giúp chúng ta hiểu được khác biệt về sự thịnh vượng giữa các quốc gia.
Ba nhà kinh tế học Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson đã chứng minh được tầm quan trọng của các thể chế xã hội đối với sự thịnh vượng của một quốc gia.
Nghiên cứu của những người đoạt giải cũng giải thích lý do tại sao các xã hội có nền pháp quyền kém và các thể chế bóc lột dân chúng không tạo ra sự tăng trưởng hoặc thay đổi theo hướng tốt hơn.
20% các quốc gia giàu nhất thế giới hiện giàu gấp khoảng 30 lần 20% các quốc gia nghèo nhất. Khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia giàu nhất và nghèo nhất cũng dai dẳng. Mặc dù các quốc gia nghèo nhất đã trở nên giàu hơn, nhưng họ vẫn chưa bắt kịp với các quốc gia thịnh vượng nhất. Tại sao?
Những người đoạt giải kinh tế năm nay đã tìm thấy bằng chứng mới và thuyết phục cho lời giải thích về khoảng cách dai dẳng này – sự khác biệt trong các thể chế của một xã hội.
Ông Jakob Svensson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kinh tế cho biết: “Những người đoạt giải năm nay đã tiên phong trong những cách tiếp cận mới, cả về mặt thực nghiệm và lý thuyết, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bất bình đẳng toàn cầu”.
“Về mặt thực nghiệm, công trình của họ đã nâng cao đáng kể việc nghiên cứu các tác động nhân quả của thể chế đối với sự thịnh vượng. Khi làm như vậy, họ đã xác định được nguồn gốc lịch sử của môi trường thể chế yếu kém đặc trưng cho nhiều quốc gia thu nhập thấp ngày nay”.
“Về mặt lý thuyết, nghiên cứu của họ giải thích tại sao các thể chế kinh tế bóc lột và chế độ độc tài thường tồn tại dai dẳng, mặc dù việc cải cách chúng sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất”.
Ông Svensson nhấn mạnh: “Thu hẹp khoảng cách lớn về thu nhập giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay. Nhờ nghiên cứu đột phá của Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson, chúng ta hiểu sâu hơn về nguyên nhân gốc rễ khiến các quốc gia thất bại hoặc thành công”.
Daron Acemoglu sinh năm 1967 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1992, ông là tiến sĩ tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, Vương quốc Anh. Hiện ông là giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Mỹ.
Simon Johnson sinh năm 1963 tại Sheffield, Vương quốc Anh. Năm 1989, ông là tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Mỹ. Hiện ông là giáo sư tại đây.
James A. Robinson sinh năm 1960. Năm 1993, ông là tiến sĩ tại Đại học Yale, New Haven, CT, Mỹ. Hiện ông là giáo sư tại Đại học Chicago, Mỹ.
Ban đầu, kinh tế không phải lĩnh vực thuộc cơ cấu giải thưởng trong di chúc của nhà khoa học Thụy Điển Alfred Nobel. Giải này được bổ sung vào năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Sveriges Riksbank. Đây cũng là đơn vị đóng góp quỹ cho giải thưởng này.
Ngọc Ánh (theo Reuters, X/The Nobel Prize)
Nguồn: https://www.congluan.vn/giai-nobel-kinh-te-2024-vinh-danh-nghien-cuu-ve-moi-quan-he-giua-the-che-va-su-thinh-vuong-post316773.html