Chiều 14-10, tuần lễ Nobel khép lại với giải Nobel kinh tế trao cho 3 nhà nghiên cứu kinh tế Mỹ Daron Acemoglu, Simon Johnson, James A. Robinson “cho các nghiên cứu về cách các thể chế được hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng”.
Ông Daron Acemoglu và ông Simon Johnson làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, trong khi ông James A. Robinson thuộc Đại học Chicago, Mỹ.
Trong quyết định trao giải, Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết nghiên cứu đoạt giải đã giúp chúng ta hiểu được sự khác biệt về sự thịnh vượng giữa các quốc gia.
Bằng cách xem xét các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau xuất hiện trong thời kỳ thực dân châu Âu, ông Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson đã có thể chứng minh mối quan hệ giữa các thể chế và sự thịnh vượng.
Các ông cũng đã phát triển các công cụ lý thuyết có thể giải thích tại sao sự khác biệt trong các thể chế vẫn tồn tại và cách các thể chế có thể thay đổi.
“Những người đoạt giải đã chỉ ra một lời giải thích cho sự khác biệt về sự thịnh vượng của các quốc gia là các thể chế xã hội xuất hiện trong thời kỳ thực dân hóa. Các thể chế bao trùm thường được đưa vào các quốc gia nghèo khi họ bị thực dân hóa, theo thời gian dẫn đến một nhóm dân số thịnh vượng. Đây là một lý do quan trọng giải thích tại sao các thuộc địa trước đây từng giàu có giờ lại nghèo, và ngược lại”, cơ quan trao giải cho biết.
Nhiều nước sau đó tiếp tục mắc kẹt với các thể chế khai thác và tăng trưởng kinh tế thấp. “Việc đưa vào các thể chế bao trùm sẽ tạo ra lợi ích lâu dài cho mọi người, nhưng các thể chế khai thác lại mang đến lợi ích ngắn hạn cho những người nắm quyền”, ủy ban giải thích.
“Giảm bớt sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta”, ông Jakob Svensson, chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học kinh tế, cho biết.
Năm ngoái, giải Nobel kinh tế 2023 trao cho giáo sư Harvard (Mỹ), bà Claudia Goldin, vì những nghiên cứu về tác động của phụ nữ với thị trường lao động. Nghiên cứu của bà hé lộ nguyên nhân của sự thay đổi trên thị trường lao động, cũng như nguyên nhân chính khiến khoảng cách giới còn tồn tại.
Giải Nobel khởi nguồn từ sáng kiến của nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel. Trong di chúc, ông đã để lại tài sản của mình để tài trợ cho “các giải thưởng dành cho những người, trong năm trước đó, đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại”. Giá trị mỗi giải thưởng là 11 triệu crown Thụy Điển, khoảng 1,1 triệu USD.
Ông Nobel đã chỉ định Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải thưởng về hóa học và vật lý, Viện hàn lâm Thụy Điển trao giải văn học, Viện Karolinska Institute của Thụy Điển trao giải y sinh, và Quốc hội Na Uy trao giải về hòa bình.
Năm 1968, giải Nobel kinh tế được bổ sung với tên chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Sveriges Riksbank dành cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ ông Nobel. Có tổng cộng 55 giải Noble kinh tế đã được trao đến nay.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nobel-kinh-te-2024-trao-cho-nghien-cuu-ly-giai-vi-sao-co-nuoc-giau-nuoc-ngheo-20241014172253284.htm