Tại dự thảo nghị định đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính đưa ra 2 ngưỡng nợ thuế trong trường hợp áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là 10 triệu đồng đối với cá nhân, hộ kinh doanh và 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp.
Thời gian xác định số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày.
Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến nay có hơn 6.500 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, gấp 3 lần so với năm ngoái. Cơ quan chức năng đã thu 1.341 tỷ đồng của 2.116 người nộp thuế bị tạm hoãn xuất cảnh.
Có thể thấy, đề xuất mới trong dự thảo “gỡ khó” cho một số trường hợp nợ thuế chỉ vài triệu cũng bị hoãn xuất cảnh như đã diễn ra thời gian qua. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa rõ đề xuất này dựa trên cơ sở nào?
Mỗi con số đưa ra cần có logic, có sự liên kết với các quy định pháp luật khác để đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ chấp hành tốt hơn. Còn nếu không thì khi thực thi sẽ dễ vướng, dẫn đến việc sửa đổi quy định nhưng lại không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Có ý kiến cho rằng, nên sử dụng mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc mức lương tối thiểu làm cơ sở để xác định ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh. Điều này nhằm tránh trường hợp sau này trượt giá hoặc thực tế thay đổi, lại phải điều chỉnh con số.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh ngưỡng quy định như đề xuất là quá thấp, cần nâng ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh lên 200 triệu đồng với cá nhân và doanh nghiệp là 1 tỷ đồng.
Có thể nói, việc áp dụng chính sách hạn chế đi lại với các cá nhân nợ thuế lớn và thời gian dài là biện pháp tích cực để thu hồi nợ thuế tồn đọng. Tuy nhiên, việc này chỉ nên áp dụng với những trường hợp nghiêm trọng với số tiền nợ thuế lớn.
Thực tế, hiện nay cơ quan thuế có nhiều biện pháp cưỡng chế nợ thuế như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên và bán đấu giá tài sản… Vì vậy, cần ưu tiên áp dụng các biện pháp này, đặc biệt trích tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bên thứ ba, trước khi hạn chế quyền đi lại của người dân.
Ngành thuế đang nắm dữ liệu hàng triệu tài khoản ngân hàng của người nộp thuế. Biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng nếu triển khai sẽ không có gì phức tạp.
Ngoài ra, cần đi vào giải quyết bản chất vấn đề dẫn đến những tranh cãi về quy định này thời gian vừa qua. Đó là việc nhiều người phản ánh không nhận được thông báo về nợ thuế nên bị bất ngờ khi nhận được lệnh tạm hoãn ở sân bay.
Ở đây có 2 tình huống còn tồn tại. Một là cơ quan thuế chưa kết nối chặt chẽ với người nộp thuế. Hai là người nộp thuế chưa ý thức được hậu quả nên vẫn cố tình chây ỳ.
Trong khi đó, ở một số nước, thủ tục tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp gần như sau cùng, khi đã áp dụng các biện pháp khác như thu giữ tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng… mà vẫn không thu được thuế.
Cơ quan quản lý cần làm sao để người nợ thuế biết rằng họ đang bị nợ thuế và nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh. Cần có thông báo gửi đến người chậm nộp và trên trang web về nợ thuế một cách công khai, rộng rãi.
Đồng thời, cần xem xét ý thức chấp hành luật pháp của người nộp thuế, số tiền nhỏ mà không nộp chứng tỏ tính chây ỳ, ý thức chấp hành luật thấp.
Cùng đó, có thể nghiên cứu cơ chế cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được nộp thuế hoặc tiền tạm ứng tương đương ngay tại cửa khẩu. Việc này vừa giúp Nhà nước sớm thu được tiền, vừa tạo điều kiện cho người nợ thuế có thể ngay lập tức đi lại bình thường.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/no-thue-bao-nhieu-moi-cam-xuat-canh-192241212222735253.htm