Vì thiếu niềm tin nên mới sinh ra nhiều kỳ thi
Đến thời điểm này, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 20 phương thức tuyển sinh đại học trong đó có phương thức tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng của từng trường.
Riêng phương thức tổ chức kỳ thi riêng khi đi vào thực tiễn đã có nhiều trường áp dụng và sử dụng. Dẫn tới, từ chỗ có 20 phương thức tuyển sinh mỗi trường áp dụng một kiểu dẫn tới tình trạng loạn cách thức tuyển sinh đại học.
Bình luận về thực trạng này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, đang có quá nhiều kỳ thi để tuyển sinh đại học.
Đối với các trường liên quan đến thi tuyển sinh các môn năng khiếu thì việc tổ chức kỳ thi riêng là điều này cần thiết.
Còn đối với các trường ngành không cần thi năng khiếu mà cũng thi các môn đại trà như các môn thi tốt nghiệp việc có quá nhiều kỳ thi đang là một bất cập.
Nguyên nhân của sự việc này, theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, do các trường họ không muốn dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vì không an tâm chất lượng từ kỳ thi này.
“Việc thận trọng này thể hiện các trường không tin vào kết quả của kỳ thi THPT. Bởi nếu tin thì các nhà trường đã sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp” – bà Nga phân tích.
Theo vị này, trên thực tế đã từng xảy ra việc gian lận thi cử và đã có nhiều người phải đi tù. Nhiều sinh viên phải nghỉ học vì kết quả chấm lại phát hiện gian lận.
Chính sự gian lận đó nên nhiều trường coi trọng chất lượng tuyển sinh nên họ không yên tâm.
“Việc tổ chức kỳ thi riêng thì các trường vất vả từ khâu ra đề, chấm thi. Còn nếu chỉ lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thì họ rất nhàn”– ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nêu.
Nên trở về kỳ thi 2 trong 1
Bàn về phương án thi cử sao cho giảm tải, ít tốt kém bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, phương án tốt nhất vẫn là kỳ thi 2 trong 1.
Việc chỉ cần một kỳ thi là giảm tải tốt nhất, tránh việc mỗi lần đến kỳ thi đại học con em lại tay xách, nách mang đổ về các thành phố ứng thi. Điều này mang đến sự mệt mỏi, tốn kém cho toàn xã hội.
Điều quan trọng phải làm như thế nào để kỳ thi thực sự nghiêm túc, công bằng. “Chúng ta nên xem lại khâu ra đề và chấm thi. Nếu kết cấu đề thi phân loại tốt thí sinh thì việc các trường đại học họ sẽ yên tâm sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Kết cấu đề thi phải phân loại được thí sinh chứ không chạy theo bệnh thành tích. Tránh tình trạng thí sinh thi điểm cao chót vót nhưng chất lượng lại không đảm bảo.
Thí sinh giỏi điểm trung bình mới 8 điểm. Còn như hiện nay, quá nhiều em đạt điểm 28 đến 29 điểm thì rất khó để các trường yên tâm tuyển sinh” – bà Nga nhấn mạnh.
Cũng theo vị ĐBQH này, thay vì việc nghĩ xây dựng một kỳ thi nào đó để đảm bảo sự phân hóa học sinh thì chúng ta chấn chỉnh, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc tổ chức kỳ thi 2 trong 1 vừa giảm tải và tiết kiệm cho cả xã hội.
Trong những năm qua trong giáo dục đổi mới thi cử quá nhiều. Mai thi một kiểu, năm sau lại thi kiểu khác dẫn tới sự bất an của phụ huynh và học sinh. Mỗi một lứa thi mỗi kiểu học sinh và phụ huynh không an tâm.
“Bây giờ chỗ nào thực hiện chưa tốt thì chúng ta quay lại củng cố để làm sao thực hiện tốt để đảm bảo công bằng, chất lượng tạo sự an tâm để các trường đại học sử dụng kết quả tuyển sinh” – bà Nga nêu ý kiến.
Như vậy, qua trao đổi với chuyên gia có thể thấy phương an thi 2 trong 1 vẫn là phương án tiết kiệm và tạo sư an tâm cho phụ huynh và xã hội. Thay vì, mỗi nơi tổ chức một kỳ thi mà chưa biết chất lượng của kỳ thi đã hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT.