Bỏ bạc triệu học bán hàng trên mạng
Theo bảng phân tích dữ liệu trên nền tảng Tiktok, trong tháng 6 và tháng 7, doanh thu cửa hàng của chị Huyền dao động ở mức 78-105 triệu đồng. Sau 2 tháng theo đuổi khóa học livetream (phát trực tiếp), doanh thu tăng gấp đôi khiến chị Huyền càng tin rằng số tiền, công sức bỏ ra để đi học livestream không uổng phí.
Anh Nguyễn Minh Tân (quán quân chương trình Vietnam Livestream Idol năm 2022) đã và đang phụ trách dạy livestream cho hơn 500 học viên. Tân cho hay, mỗi khóa học có giá 6 triệu đồng, bao gồm 8 buổi, trung bình 3 tiếng/buổi.
Theo đó, học viên sẽ được dạy những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, lý thuyết chiếm 30% và thực hành là 70%.
“Tôi dạy học viên về những kỹ năng giới thiệu sản phẩm, cách xây dựng kịch bản bán hàng, bí quyết chốt đơn hiệu quả, kỹ năng xử lý tình huống, cách thu hút và giữ chân khách hàng trên livestream,… Các bạn còn được chỉnh lỗi phát âm, luyện khẩu hình, làn hơi và cách sử dụng ngôn từ khi lên sóng”, anh Tân nói.
Người phụ trách đào tạo chia sẻ, đối tượng tham gia khóa học là những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, dân kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp. Mục tiêu nói chung các nhóm học viên thường nhắm đến là làm sao bán hàng hiệu quả.
Đối với cam kết đầu ra, trung tâm có gói “bảo hành trọn đời”, tức là sau khóa học, nếu quá trình livestream vẫn còn gặp vấn đề, Tân sẽ tiếp tục tư vấn, hướng dẫn miễn phí.
Minh Tân chia sẻ, lượng học viên đăng ký khóa đào tạo trong năm 2023 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
“Năm 2022, cứ cách 2-3 tháng tôi mới mở một khóa học. Nhưng giờ đây mỗi tháng phải có một khóa mới kịp đáp ứng nhu cầu của lượng lớn học viên”, anh bộc bạch.
Chị Hương Lê, Giám đốc điều hành công ty cổ phần thương mại dịch vụ Big Idea, cũng đang đào tạo kỹ năng livestream cho hàng chục đến hàng trăm học viên mỗi lớp.
Theo đó, người học cũng phải đáp ứng một số yêu cầu như có kênh bán hàng riêng. Ngoài ra, người học phải đạt những yêu cầu về thời gian, sức khỏe, luôn giữ năng lượng vì thời gian trung bình cho livestream thường kéo dài khoảng 1-2 giờ, thậm chí là hơn 4 giờ đồng hồ.
Khác với các khóa đào tạo có học phí cao, chị Hương giảng dạy hoàn toàn miễn phí cho những học viên trở thành nhà phân phối mỹ phẩm của công ty.
Doanh thu “khủng”
Nữ Giám đốc cho hay, livestream là công cụ bán hàng phổ biến đã lâu. Tuy nhiên, chỉ đến khi lượng người dùng Tiktok tăng mạnh, công cụ này mới thực sự bùng nổ khi nền tảng có thêm dịch vụ mua sắm trực tuyến. Theo chị Hương, dự đoán trong 3-5 năm tới, livestream sẽ tiếp tục phát triển và đóng vai trò rất quan trọng trong kinh doanh.
“Trước đây, khi bán hàng trên Facebook, dân kinh doanh chỉ cần đăng hình sản phẩm là bán được. Nhưng trên Tiktok thì khác, mạng xã hội này rất ưu tiên những cửa hàng có thể livestream vì nhu cầu giải trí tăng cao.
Bởi khi tiếp thị trên sóng trực tiếp, người bán sẽ đẩy được cảm xúc khách hàng, khiến người theo dõi ra quyết định mua sắm dễ dàng và ngay lập tức”, chị Hương phân tích.
Người đứng ra livestream không chỉ đơn thuần là tiếp thị hàng hóa. Mà người được chọn phải có nhiều kỹ năng được đào tạo bài bản. Mỗi lần livestream cũng phải được lên kịch bản thật chỉn chu, với sự phối hợp của ê-kíp nhiều người.
Anh Minh Tân chỉ ra thực tế tại Trung Quốc, livestream đang trở thành “thương trường thực chiến” thật sự của dân kinh doanh trực tuyến.
Lý Giai Kỳ là cái tên được biết đến như “ông hoàng livestream” ở Trung Quốc. Năm 2020, người này kiếm được 10 tỷ NDT (khoảng 35.000 tỷ đồng) cho 12 tiếng livestream liên tục.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2020, Việt Nam có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream mỗi tháng, 70.000-80.000 phiên mỗi ngày, với sự tham gia của khoảng 50.000 nhà cung ứng sản phẩm.
Phần lớn các phiên livestream này diễn ra trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Một phần nhỏ trong số đó (khoảng 2.000 – 3.000 phiên) diễn ra trên các nền tảng điện tử khác.
Theo số liệu thống kê của sàn thương mại điện tử Metric, chỉ tính riêng trong tháng 11/2022, doanh số trên Tiktok Shop (cửa hàng trên nền tảng Tiktok) đã đạt mức 1.698 tỷ đồng, với 13 triệu sản phẩm được bán ra và 32.000 đơn vị phát sinh đơn hàng.
“Livestream là thứ đã cứu sống doanh nghiệp trong thời gian khủng hoảng kinh tế. Đây là hình thức bán hàng tiết kiệm rất nhiều chi phí, tối ưu được độ tin cậy, tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử”, nhân vật cho hay.