(QBĐT) – Chuẩn hóa thông tin thuê bao (TTTB) di động là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, những ngày vừa qua, các nhà mạng lớn ở Quảng Bình đang nỗ lực triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Chuẩn hóa TTTB di động-việc làm cần thiết
Thời gian qua, Công an tỉnh – cơ quan thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) và các đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh các nhà mạng trên địa bàn tỉnh, góp phần hạn chế tình trạng sử dụng sim thuê bao di động trả trước có thông tin không đúng quy định, bảo đảm TTTB chính chủ, làm sạch sim rác.
|
“Tuy nhiên, trên thực tế nhiều đại lý của các doanh nghiệp viễn thông vẫn cung cấp sim kích hoạt sẵn do nhà mạng cung cấp. Nhiều đối tượng cố tình lợi dụng mua sim kích hoạt sẵn để liên lạc (gọi điện, nhắn tin) hoặc đăng ký các tài khoản mạng xã hội ảo (Zalo, Facebook, Viber) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, như: Lừa đảo, đánh bạc qua mạng, xúc phạm người khác, tuyên truyền sai chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… gây khó khăn cho công tác điều tra của lực lượng Công an, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bản tỉnh”, đại tá Phan Đăng Tĩnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết.
Ông Phạm Thanh Tân, Phó Giám đốc Sở TT-TT trao đổi: Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, đến hết ngày 31/3, nếu thuê bao di động có thông tin không trùng khớp với các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư thì sẽ bị khóa tài khoản. Nghị định này nhằm giải quyết triệt để tình trạng sử dụng sim rác hoặc sim không đúng thông tin khai báo theo quy định.
|
Cụ thể, các số điện thoại có thông tin chưa chuẩn, chưa trùng với CSDLQG về dân cư sẽ nhận được thông báo từ nhà mạng. Thuê bao bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 1 chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày nhận thông báo, dừng 2 chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. 30 ngày sau đó, thuê bao không cập nhật sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện phải bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng trong việc phối hợp chuẩn hóa TTTB; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân tự giác thực hiện.
“Việc chuẩn hóa thuê bao di động là một trong các hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Đây là việc làm cần thiết nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi dùng sim điện thoại không đúng quy định để lừa đảo, quảng cáo sai sự thật. Đặc biệt, TTTB chính xác sẽ giúp người dùng được hỗ trợ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi thông tin bị lợi dụng cho mục đích xấu”, Phó Giám đốc Sở TT-TT Phạm Thanh Tân nhấn mạnh.
|
Nhà mạng nỗ lực – người dân phối hợp thực hiện
Ông Phan Thanh Hoài, Giám đốc MobiFone Quảng Bình cho biết, hiện đơn vị có 200.000 thuê bao, trong đó cần chuẩn hoá thông tin (CHTT) là 23.250 thuê bao. Thực hiện lộ trình CHTT thuê bao di động, từ ngày 15/3/2023, MobiFone đã tuyên truyền đến khách hàng thông qua nhiều hình thức, như: Nhắn tin thông báo tới các thuê bao chưa chuẩn hoá với tần suất 5 lần trong 5 ngày liên tiếp; thông báo trên các trang fanpage chính thức của MobiFone; cho nhân viên hỗ trợ tận nhà với các khách hàng có nhu cầu và phối hợp với các xã, phường, thị trấn thông báo trên loa truyền thanh mời bà con đến CHTT tại địa điểm được đặt ở các khu dân cư.
Đồng thời, mở các kênh chuẩn hoá online (qua web, app My Mobifone,…) để tạo thuận lợi cho khách hàng cập nhật; tăng giờ làm việc tại các cửa hàng, trung tâm giao dịch MobiFone trên địa bàn toàn tỉnh để hỗ trợ khách hàng.
Nhờ vậy, trước ngày 31/3/2023, đã có hơn 13.100 thuê bao kịp CHTT trước khi bị khoá 1 chiều vào ngày 1/4, chiếm trên 56% trong tổng số thuê bao cần chuẩn hoá trong đợt này. Đến 0h ngày 1/4, trên địa bàn Quảng Bình, MobiFone đã thực hiện khoá 1 chiều với 10.150 thuê bao.
|
Ông Bùi Quang Khánh, Phó Giám đốc Viettel Quảng Bình thông tin, tổng số thuê bao cần CHTT tại địa bàn là gần 8.000 thuê bao. Ngay từ giữa tháng 2/2023, Viettel đã triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau để tiếp cận, hỗ trợ khách hàng. Sớm hơn các nhà mạng khác, bắt đầu từ 17/3, Viettel đã chủ động chia thành từng đợt khóa 1 chiều đối với các thuê bao chưa CHTT. Nhờ vậy, đến ngày 31/3/2023, có 5.563 thuê bao đã kịp thời thực hiện CHTT chính chủ, đạt gần 70% tổng số thuê bao cần CHTT tại địa bàn.
“Việc khóa thuê bao 1 chiều để cho người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc CHTT đợt này là để đồng bộ CSDLQG. Vì vậy, cùng với các nhà mạng, thì các cơ quan truyền thông, chính quyền, đoàn thể cơ sở cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc CHTT thuê bao di động. Nếu người dân không phối hợp thực hiện trong thời gian cao điểm này, sau ngày 15/4, ngoài việc bị khóa sim điện thoại 2 chiều, 30 ngày sau sim sẽ bị hủy. Như vậy, người dân buộc phải cập nhật lại số điện thoại trên mã định danh điện tử của mình, sẽ rất mất thời gian cho các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án 06”, ông Bùi Quang Khánh chia sẻ.
|
Vinaphone là nhà mạng có tổng lượng thuê bao lớn nhất tại Quảng Bình, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện khá bài bản việc CHTT khách hàng ngay khi phát hành sim mới. Vì vậy, nhà mạng này chỉ còn 3.829 thuê bao sai lệch thông tin với CSDLQG về dân cư cần cập nhật lại trong tổng số 335.123 thuê bao di động đang hoạt động tại địa bàn Quảng Bình.
Theo bà Lê Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Quảng Bình cho biết: Trong tổng số 3.829 thuê bao cần CHTT thì có đến 3.512 thuê bao chỉ lệch họ tên, ngày, tháng, năm sinh do trước đây hệ thống, quy định cho phép nhập tên không dấu, hoặc nhiều khách hàng chỉ có năm sinh trên giấy tờ nên khi đối chiếu, rà soát lại bị sai lệch… còn trên thực tế vẫn đúng khách hàng, chính chủ theo Nghị định 49 về quản lý TTTB di động.
Với quan điểm đặt lợi ích, quyền lợi của khách hàng lên trên, nhưng phải chấp hành nghiêm túc quy định, ngay từ đầu tháng 3/2023, Vinaphone Quảng Bình đã triển khai quyết liệt. Huy động toàn thể nguồn lực trên địa bàn để tham gia truyền thông, tiếp cận thu thập, xác minh để CHTT khách hàng. Kết quả đến ngày 31/3/2023, đã cập nhật xong 3.566 khách hàng (đạt 93,13%), còn lại 263 khách hàng bị khóa 1 chiều theo quy định.
Hiện, Vinaphone tiếp tục sử dụng các công cụ công nghệ thông tin để tiếp cận những khách hàng còn lại để cập nhật TTTB, cố gắng hoàn thành 100% thuê bao được CHTT đến thời điểm 15/4/2023.
|
Tại Cửa hàng giao dịch trung tâm phòng bán hàng Đồng Hới (VNPT Quảng Bình), những ngày này, người dân vẫn tiếp tục đến cập nhật lại thông tin chính chủ, kể cả những thuê bao không bị khóa 1 chiều. Đang được nhân viên VNPT hướng dẫn cập nhật lại thông tin, bà Hoàng Thị Minh (62 tuổi) ở phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) vui vẻ cho biết: “Lâu nay số máy của tôi do con gái đăng ký và đứng tên, nay tôi đã có căn cước công dân gắn chíp nên tới đổi lại cho chính chủ. Nhân viên ở đây rất nhiệt tình hỗ trợ, việc xác thực lại thông tin khá dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng…”.
“Trên thực tế, thời gian qua, đã xảy ra những trường hợp lợi dụng chiến dịch CHTT thuê bao của các nhà mạng để gọi điện/nhắn tin xin thông tin cá nhân, sau đó chiếm đoạt số điện thoại, tạo tài khoản ảo trên mạng để lừa đảo, nên một số khách hàng không tin tưởng cung cấp thông tin, hợp tác chuẩn hóa. Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng quy định quản lý TTTB theo Nghị định 49 để nhân dân được biết, chủ động cập nhật lại thông tin cá nhân chính chủ; không sử dụng, lưu hành sim kích hoạt sẵn để nâng cao chất lượng, tiến độ cấp mã định danh công dân, cập nhật CSDLQG về dân cư… và hạn chế/phòng ngừa các trường hợp sử dụng thông tin cá nhân người khác để phạm tội, lừa đảo, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội”, bà Lê Thị Tố Nga đề nghị.
Để thực hiện tốt công tác quản lý TTTB di động trả trước trên địa bản tỉnh trong thời gian tới, Công an tỉnh đề nghị: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tổ chức quán triệt đến 100% nhân viên, đại lý/điểm bán chấp hành nghiêm túc công tác quản lý TTTB; nghiêm cấm nhân viên đăng ký TTTB không chính chủ, kích hoạt sẵn để bán cho khách hàng hoặc cho các đại lý; yêu cầu nhân viên và đại lý ký cam kết chấp hành nghiêm túc Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý TTTB di động trả trước; trường hợp phát hiện bán sim kích hoạt sẵn, Công an tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý theo quy định (mức cao nhất là truy tố trước pháp luật và tước giấy phép kinh doanh). |
Nội Hà