NDO – Chiều 2/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chủ trì Phiên họp năm 2024 của Uỷ ban để thảo luận về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Uỷ ban.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, Bộ Chính trị đã ghi nhận những kết quả được, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29.
Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về giáo dục và đào tạo; đồng thời tập trung thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được giao tại Kết luận 91. Để triển khai Kết luận 91, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận 91.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp (Ảnh: Trần Hải). |
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91.
Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ đã gửi xin ý kiến góp ý và tiếp thu ý kiến góp ý của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 55 tỉnh, thành phố. Đến nay, dự thảo Chương trình hành động về cơ bản đã bảo đảm yêu cầu bám sát Kết luận số 91, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai để tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 và Kết luận 91 của Bộ Chính trị và cụ thể hóa phân công đến từng bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ,Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu tối đa ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện Chương trình, Kế hoạch, xin ý kiến của Chính phủ để Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện Chương trình hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị trong nửa đầu tháng 11 này. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sự nghiệp giáo dục đào tạo, luôn đặt giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, do đó chúng ta phải nỗ lực thực hiện điều này trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chúng ta phải quán triệt các tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết 29 của Trung ương, Kết luận 91 của Bộ Chính trị.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, trong đó có giáo dục, đào tạo.
Thủ tướng lưu ý vấn đề thời gian, trí tuệ, khát vọng, tiềm lực, hội nhập. Về thời gian, các chính sách ban hành liên quan giáo dục, đào tạo phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả; về trí tuệ, phải dựa vào giáo dục đào tạo và đổi mới sáng tạo; về khát vọng: đưa nền giáo dục đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt, tự lực, tự cường, tự tin dân tộc; Về hội nhập: phải đi đúng xu hướng của thời đại, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong giáo dục đào tạo.
Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Trần Hải). |
Thủ tướng đặc biệt lưu ý phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ của các địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy không gian sáng tạo. Nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, tạo cảm hứng, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô làm động lực. Xây dựng cơ chế để đẩy mạnh hình thành xã hội học tập, học tập suốt đời. Trên cơ sở đó chúng ta tiếp tục rà soát các nội dung xem Kết luận 91 đã được thể hiện trong Chương trình hành động chưa? Hoàn thiện hồ sơ dự thảo Chương trình hành động, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm với bố cục gọn nhẹ, nội dung rõ ràng, thể hiện quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hành động có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào ra việc đó, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu ý kiến tại phiên họp (Ảnh: Trần Hải). |
Thủ tướng lưu ý một số nội dung liên quan đến rà soát quy hoạch mạng lưới, chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành kinh tế mới nổi (chíp bán dẫn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh…); nguồn lực dành cho đầu tư giáo dục; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2, mở rộng đào tạo các ngoại ngữ khác theo yêu cầu của công việc.
Đối với các vấn đề xin ý kiến của Ủy ban Quốc gia, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu dự họp, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, các nội dung cần ngắn ngọn, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, địa phương và có thời hạn cụ thể, dễ đôn đốc, dễ kiểm tra, đánh giá.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Uỷ ban tại phiên họp (Ảnh: Trần Hải). |
Xây dựng Chiến lược giáo dục, đào tạo, hoàn thành trong quý I/2025 phải xong; trên cơ sở đó, cụ thể hoá các nội dung. Trong chiến lược có tầm nhìn; thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên cả nước và đề xuất giải pháp quản lý phù hợp, thuận lợi nhất, đã làm phải nhanh, khả thi, kịp thời và hiệu quả; phải đặt lợi ích chung. Nâng cao cao chất lượng, quản lý chặt chẽ đội ngũ giáo viên; Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề biên chế, trường lớp phù hợp hoàn cảnh với tinh thần giảm điểm trường, tăng quy mô của trường, chú ý liên cấp, số lượng phù hợp điều kiện cụ thể.
Về huy động nguồn lực, Thủ tướng nêu rõ, nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Muốn vậy, phải xây dựng chính sách phù hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để giảm gánh nặng của Nhà nước, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt, đóng vai trò là vốn mồi. Về việc thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, xây dựng “Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam”. Về các thiết chế trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, tất cả mọi người phải bình đẳng tiếp cận vấn đề này; xây dựng phong cách học tập suốt đời.
Nguồn: https://nhandan.vn/no-luc-phan-dau-dua-nen-giao-duc-dao-tao-viet-nam-theo-kip-cac-nuoc-phat-trien-post842726.html