Đề tài lịch sử luôn có sức hút đặc biệt với sân khấu. Hiện nay tại TP HCM, Nhà hát Kịch IDECAF là đơn vị xã hội hóa đang chuẩn bị ra mắt 3 vở về đề tài sử Việt: “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt” (tác giả: Phạm Văn Quý, đạo diễn: Hoàng Duẩn); “Trần Thủ Độ – Anh hùng và gian hùng” (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn – NSƯT Lê Nguyên Đạt) và “Nữ đại đế Mê Linh” (tác giả: Vũ Minh, đạo diễn: Bạch Long).
Giới chuyên môn nhận định đây là nỗ lực đáng ghi nhận của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Nhà hát kịch IDECAF) khi đầu tư lớn cho kịch sử Việt. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết trong sáng tạo nghệ thuật, bất kỳ tác phẩm sân khấu lịch sử nào cũng phải có 2 phần rạch ròi: đời sống thực của lịch sử và phần hư cấu của nghệ sĩ. Để có sự bay bổng trong sáng tạo nghệ thuật rất cần sự tỉnh táo của ê-kíp thực hiện: tác giả, đạo diễn, diễn viên và các khâu như: thiết kế mỹ thuật, phục trang, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ… “Nếu một trong những khâu này lệch hướng sẽ không tìm được hiệu quả và tạo được sức hút với khán giả” – ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Chính vì thế, ngay từ khâu kịch bản văn học, ông là người chủ đích việc biên tập theo góc nhìn mới của người xem đương đại. “Kịch lịch sử là tác phẩm nghệ thuật. Một câu chuyện lịch sử chắc chắn phải đem đến cho người xem những bài học giá trị về nhân cách sống qua vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật lịch sử. Những câu chuyện đặt ra phải gợi cho người xem nhiều điều suy ngẫm về cuộc sống hôm nay” – ông Huỳnh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh Nhà hát Kịch IDECAF hiện các sân khấu Hồng Vân, Nhà hát Thế giới trẻ, Đồng ấu Bạch Long, Nhà hát Trần Hữu Trang cũng rất tâm huyết với đề tài lịch sử, cổ trang. “Có làm sẽ có sự học hỏi lẫn nhau, nhìn nhau để hoàn thiện. Khán giả được quyền lựa chọn và chính sự đổi mới trong tư duy làm sân khấu sẽ là tín hiệu đáng mừng cho đề tài kịch sử Việt hiện nay” – PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ.
Nhà sử học Lê Văn Lan cho hay ông đánh giá cao những người làm kịch bản sân khấu và phim ảnh về sử Việt. Theo ông, bằng tình yêu sử Việt thông qua các tác phẩm sân khấu sẽ mang lại cho thế hệ trẻ biết rõ hơn về lịch sử cội nguồn Việt Nam.
Nguồn: https://nld.com.vn/no-luc-lam-moi-kich-su-viet-196240325205527214.htm