SGGP
Sau sự việc hàng loạt trường học trên địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM) tạm dừng tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh do phát hiện thực phẩm hư hỏng tại đơn vị cung cấp suất ăn, các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM đã tăng cường giám sát chất lượng bữa ăn bán trú nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh.
Nâng cao vai trò phối hợp của phụ huynh
Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) công khai thực đơn bán trú tất cả các ngày trong tuần. Dù giá cả thực phẩm không ngừng leo thang, trường cố gắng duy trì thực đơn đa dạng với 4 ngày học sinh ăn cơm cùng món mặn và canh; riêng thứ năm hàng tuần luân phiên thay đổi qua các món nước như phở, hủ tiếu, bún bò, bánh mì xíu mại… Với bữa xế, thực đơn đảm bảo không trùng lắp giữa các tuần học, đồng thời công khai tên tất cả đơn vị cung cấp để phụ huynh cùng giám sát.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ (quận 4), ông Phan Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, ban giám hiệu phối hợp với nhân viên y tế và đại diện cha mẹ học sinh giám sát chất lượng bữa ăn. Việc kiểm tra được thực hiện theo 2 hình thức định kỳ và đột xuất, công khai thực đơn theo ngày để cha mẹ học sinh biết và theo dõi.
Tuần qua, Trường Tiểu học Phước Thạnh (TP Thủ Đức) là một trong 6 trường học trên địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM) tạm dừng tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh sau khi có phản ánh của phụ huynh về thực phẩm hư hỏng tại kho đông lạnh của đơn vị cung cấp suất ăn.
Phụ huynh giám sát bữa ăn bán trú của con tại Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ (quận 4, TPHCM) |
Bà Lê Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin, trường đang thẩm định hồ sơ năng lực của 8 đơn vị cung cấp suất ăn khác. Việc thẩm định hồ sơ tập trung vào các yêu cầu như: chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, khoảng cách địa lý từ bếp ăn đến trường, kinh nghiệm tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Sau khi xem xét hồ sơ, trường sẽ chọn 3 đơn vị đáp ứng tốt nhất các yêu cầu nói trên để trực tiếp đến tìm hiểu quy trình nấu nướng. Dự kiến, đơn vị cuối cùng được chọn sẽ cung cấp suất ăn thử nghiệm, sau một thời gian, nếu đảm bảo yêu cầu về chất lượng thì trường mới ký hợp đồng chính thức.
Ở bậc trung học, từ giữa tháng 10-2023, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3) thông báo về việc phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh trong công tác quản lý, giám sát chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, cha mẹ học sinh có thể đến trường bất cứ ngày nào trong tuần để cùng nhà trường quan sát trực tiếp bữa ăn trưa của con. Nếu phụ huynh có ý kiến đóng góp về bữa ăn bán trú thì có thể phản ánh trực tiếp với bộ phận quản lý bán trú hoặc thông qua giáo viên chủ nhiệm để kịp thời được giải đáp các thắc mắc. Tại Trường THPT Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú), từ ngày 1-11, căn tin (đơn vị đảm nhận việc cung cấp suất ăn trưa cho học sinh) công khai thực đơn mỗi ngày để học sinh lựa chọn. Đặc biệt, vào thứ bảy hàng tuần, căn tin tăng cường phục vụ ăn trưa cho học sinh khối 12 nhằm đảm bảo duy trì việc học ở trường.
Rà soát việc thực hiện Nghị quyết 04
Theo Th.S-bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng, nếu nhà trường không đủ điều kiện tổ chức bếp ăn tại trường thì có thể ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn bên ngoài nhưng phải đáp ứng đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định, đảm bảo lưu mẫu 24 giờ tất cả món ăn trong ngày để phục vụ việc truy xuất nguyên nhân trong trường hợp xảy ra sự cố an toàn thực phẩm.
Việc kiểm tra, giám sát bếp ăn cần lưu ý các vấn đề như: nguồn gốc thực phẩm, quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với người trực tiếp sơ chế, chế biến thực phẩm, cơ sở vật chất, dụng cụ chế biến, nguồn nước. Đặc biệt, thực đơn cho học sinh cần hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn như xúc xích, giò, chả lụa, đồ hộp…
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3, TPHCM) ăn trưa tại trường |
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, hiện nay, nhiều ý kiến đề xuất tăng mức thu tối đa 35.000 đồng/học sinh/ngày đối với tiền suất ăn bán trú được quy định tại Nghị quyết 04 do HĐND TPHCM ban hành về các khoản thu, mức thu và cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, trường học bắt buộc thực hiện theo đúng quy định đã ban hành, không đơn vị nào được tổ chức thu thêm hoặc ngoài quy định. Riêng các trường không tổ chức bếp ăn bán trú, căn tin có thể phục vụ các suất ăn trưa cho học sinh nhưng vẫn chịu sự giám sát của nhà trường về giá cả, chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm của các suất ăn.
Trước đó, việc ban hành các mức thu tại Nghị quyết 04 đã được lấy ý kiến rộng rãi của các cơ sở giáo dục, căn cứ theo nội dung thống kê của 3 năm học gần nhất. Ngành giáo dục và đào tạo sẽ tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết 04 để tiếp tục tham mưu, đề xuất kế hoạch thực hiện trong những năm học tới.