Tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, khiến người trẻ phải “thắt lưng buộc bụng” để chăm lo cuộc sống. Chưa kể, gần đây lãi suất ngân hàng được điều chỉnh tăng đáng kể khiến những người đã vay tiền mua nhà càng trở nên chật vật. Giấc mơ an cư lập nghiệp với ngôi nhà nhỏ ở đô thị như TP Hồ Chí Minh càng khó khăn với những người trẻ nếu không phấn đấu và nỗ lực hơn nữa.
Nhiều gánh nặng cần chi tiêu
Từ sau Tết đến nay, gia đình chị Hoàng Thị Thủy, ngụ ở TP Thủ Đức, phải gồng gánh tiền học hành cho hai con, tiền chi tiêu hàng ngày, tiền lãi và gốc ngân hàng… Chị Hoàng Thị Thủy cho biết, từ tháng 3 đến nay, hai vợ chồng như ngồi trên đống lửa khi tiền lãi vay ưu đãi ngân hàng từ 9%/năm tăng lên 12% năm từ tháng 4/2023. Trung bình một tháng, gia đình chị Thủy phải chi khoảng 20 triệu đồng tiền lãi và gốc cho khoản vay mua nhà trong năm 2021.
“Ngân hàng thông báo lãi suất điều chỉnh lên khoảng 12%/năm, đồng nghĩa mỗi tháng tôi phải gánh thêm 5 triệu đồng tiền lãi, điều này khá khó khăn trong khi thu nhập của hai vợ chồng không tăng. Mới đây, công ty chồng tôi còn có thông báo chuẩn bị có đợt cắt giảm nhân sự, tôi đang lo thu nhập của gia đình sẽ tiếp tục giảm xuống khi chồng tôi là đối tượng sẽ bị cắt giảm. Tình huống xấu nhất nếu chồng tôi thất nghiệp, gia đình sẽ buộc phải bán nhà để trả nợ ngân hàng”, chị Thủy cho biết thêm.
Còn chị Nguyễn Thị Trinh (32 tuổi), nhân viên văn phòng tại Quận 1 cho biết: “Với mức thu nhập khoảng 10 triệu/tháng thì để mua được một căn nhà ở xã hội có giá khoảng 700 – 800 triệu là việc ngoài sức tưởng tượng”.
Theo chị Nguyễn Thị Trinh, mặc dù đã sinh sống tại TP Hồ Chí Minh được hơn 10 năm, chị cũng rất chán với cảnh tìm chỗ trọ mới và cảnh dọn nhà nên khao khát có một căn nhà ở xã hội để an cư lập nghiệp. Cuối năm ngoái, qua báo chí, chị Trinh được biết một dự án chung cư nhà ở xã hội (NƠXH) tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức vừa động thổ. Xét về tiêu chí, chị Trinh cho biết mình đủ điều kiện được hưởng chính sách mua NƠXH.
“Tuy nhiên, thông tin về các dự án NƠXH đa phần không chỉ rõ vị trí, nếu không có khả năng tìm hiểu sâu trên internet thì rất khó tìm ra. Tìm dự án đã khó, kiếm chủ đầu tư còn khó hơn nên không biết bao giờ những người dân sinh sống ở TP Hồ Chí Minh mới có căn nhà mơ ước cho riêng mình”, chị Trinh than thở.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nhu cầu mua NƠXH của những người thu nhập thấp là rất lớn, tuy nhiên nguồn cung vẫn rất hạn chế. Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2020, thành phố có 19 dự án NƠXH hoàn tất xây dựng và đưa vào sử dụng với tổng số 14.954 căn hộ. Tuy nhiên, chỉ có 1 dự án nhà lưu trú công nhân do Công ty Worldon đầu tư hoàn thiện, đáp ứng gần 7.600 chỗ ở cho công nhân. Cả năm 2022, TP Hồ Chí Minh chỉ có 2 dự án NƠXH hoàn thành xây dựng, tổng quy mô 1.352 căn hộ. Trong khi thực tế, TP Hồ Chí Minh có hàng ngàn lao động có thu nhập thấp cần mua nhà ở xã hội.
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 410.000 người muốn mua nhà ở xã hội, phần lớn trong số này là người từ tỉnh, thành phố khác đến đây làm việc. Tuy nhu cầu về nhà giá rẻ lớn nhưng hiện tỉnh Đồng Nai chỉ có 13 dự án NƠXH, nhà lưu trú công nhân đã và đang triển khai với tổng số 10.700 căn. Đến nay, tỉnh này mới hoàn thành 3.500 căn. Vì vậy, giấc mơ mua nhà ở xã hội của người dân thu nhập thấp vẫn còn xa vời.
Cần có chính sách phát triển nhiều nhà ở giá rẻ
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Phó Viện trưởng Viện Tin học và Kinh tế ứng dụng TP Hồ Chí Minh phân tích, hiện nguồn cung nhà ở xã hội đang khá hạn chế, lãi suất vay tăng cao lên đến 12 – 14%/năm, room tín dụng không còn nhiều, giá nhà quá cao, công việc bấp bênh cũng khiến nhiều người thu nhập thấp ngần ngại mua nhà vì khó có thể vay ngân hàng trả nợ. Cụ thể, nếu hai vợ chồng thu nhập 30 triệu đồng/tháng, với chi phí như hiện nay, mỗi tháng dư 10 triệu đồng không dễ dàng. Nhưng dù có tích lũy mỗi tháng được 10 triệu đồng cũng khó mua được nhà hiện tại vì giá nhà hiện nay đang ở mức cao hơn nhiều lần so với thu nhập của người dân. Vì vậy, về lâu dài nếu Chính phủ không có chính sách thúc đẩy làm nhà giá rẻ, nhà ở xã hội và không được hỗ trợ vốn vay thì cơ hội sở hữu nhà của người thu nhập thấp, trung bình sẽ vô cùng khó khăn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, hiện tại gói 30.000 tỷ đồng là một cứu cánh giúp người trẻ, những người thu nhập thấp được tiếp cận với gói tín dụng lãi suất thấp để mua nhà. Tuy nhiên, gói này cũng giải ngân khá chậm và những thủ tục để vay cũng hết sức rườm rà, đặc biệt là đòi hỏi người trẻ phải chứng minh thu nhập. Do đó, ông Châu kiến nghị nên có những chương trình mua nhà dành riêng cho người trẻ, những sinh viên mới ra trường, vợ chồng mới cưới để họ có cơ hội để mua được căn nhà.
Là doanh nghiệp đang triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, thực tế chính sách, thủ tục hành chính cho dự án nhà ở thương mại thường dễ dàng hơn, ít ràng buộc hơn so với dự án nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội. Chưa kể, đối tượng mua nhà ở thương mại không bị hạn chế, giá bán không bị khống chế, còn nhà ở xã hội thì ngược lại… Do đó, để triển khai một dự án nhà ở xã hội có muôn vàn khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các sở ngành cũng chiếm nhiều thời gian.
“Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần có những đột phá để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Nhiều khi lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, sở, ngành rất quyết tâm nhưng lại chậm ở các chuyên viên – những người trực tiếp xử lý hồ sở của doanh nghiệp. Các hồ sơ của doanh nghiệp nhà ở xã hội khi gửi lên các chuyên viên này thường kéo dài khá lâu, tính hàng tháng và hàng năm vẫn chưa được giải quyết”, ông Lê Hữu Nghĩa cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng Giám đốc Công ty VNO Land, ngoài các giải pháp hỗ trợ lãi suất, để cân đối các sản phẩm nhà ở trên thị trường, nhà nước cũng nên quyết liệt thu hồi những dự án chậm triển khai, gia hạn nhiều lần nhưng không thực hiện để triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội cho người lao động, người có thu nhập thấp; có thể ở vùng ven, giá thành “mềm” để nhiều người có cơ hội mua nhà.
Trong khi đó, theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), sắp tới để triển khai hiệu quả các dự án NƠXH hiệu quả, người đứng đầu các địa phương cần xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị và quyết tâm phải làm. Ngoài ra, đối tượng được thuê nhà ở xã hội sẽ không bị ràng buộc nhiều điều kiện như hiện nay, chỉ tính thu nhập từ tiền lương, tiền công. Đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được quy định là người chưa có nhà ở hoặc diện tích trung bình dưới 10m2/người. Như vậy, dự thảo cắt giảm nhiều thủ tục về khâu xác định đối tượng thuê, thuê mua NỞXH.
Bài 5: Cần nhiều giải pháp gỡ khó thị trường bất động sản