Theo Tân Hoa xã, ngày 15-5, Phó tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths đã kêu gọi gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, cho phép xuất khẩu an toàn ngũ cốc và các nông sản khác của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen.
“Việc tiếp tục Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là cực kỳ quan trọng, cũng như cam kết của các bên về bảo đảm hoạt động xuất khẩu ngũ cốc trơn tru và hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các bên thực hiện trách nhiệm của mình để gia hạn sáng kiến”, ông Griffiths nhấn mạnh.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, ông Griffiths cho biết, nhờ có sáng kiến này, tính đến nay, hơn 30 triệu tấn hàng hóa đã được xuất khẩu an toàn từ các cảng ở Biển Đen. Trong đó, có khoảng 600.000 tấn lúa mì đã được vận chuyển bằng tàu do Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuê nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động nhân đạo ở các nước như Afghanistan, Ethiopia, Kenya, Somalia và Yemen. Dù khẳng định đây là tiến bộ không thể phủ nhận, song ông Griffiths nhấn mạnh vẫn còn nhiều việc phải làm.
Sáng kiến được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 năm ngoái. Sáng kiến được đưa ra nhằm bảo đảm dòng chảy ngũ cốc, thực phẩm và phân bón trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt trầm trọng các mặt hàng này trên toàn cầu do xung đột ở Ukraine. Thỏa thuận ngũ cốc này ban đầu có hiệu lực trong 120 ngày. Hồi giữa tháng 11-2022, thỏa thuận tiếp tục được gia hạn thêm 120 ngày, cho đến ngày 18-3. Sau đó, Nga chỉ đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày, đến ngày 18-5.
Khi thỏa thuận sắp hết hạn, trong những tuần gần đây, giới chức LHQ đã tiến hành những cuộc thảo luận chuyên sâu với các bên tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm đạt được thỏa thuận gia hạn và những cải tiến cần thiết để sáng kiến này hoạt động hiệu quả. Tuần trước, một cuộc đàm phán 4 bên về việc gia hạn sáng kiến đã được tổ chức tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham gia của các đại diện LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine.
Trong khi nhờ thỏa thuận ngũ cốc, các hoạt động xuất khẩu của Ukraine được cải thiện thì phía Nga liên tục phản ánh rằng, việc tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu của Nga có rất ít tiến triển. Nga tuyên bố sẽ không gia hạn khi thỏa thuận hết hiệu lực vào ngày 18-5, nếu các yêu cầu nhằm loại bỏ những trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga không được đáp ứng.
Theo TASS, sau cuộc đàm phán ở Istanbul, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin nhấn mạnh: “Sáng kiến sẽ không còn tồn tại nếu các yêu cầu của Nga không được đáp ứng”. Ông Vershinin cho rằng một sáng kiến chỉ mang lại lợi ích cho một bên khó có thể được tất cả các bên công nhận. Lập trường này của Nga chủ yếu nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, các nhà sản xuất nông nghiệp và sản xuất phân bón trong nước, đồng thời có tính đến tình hình thị trường lương thực thế giới.
Các chuyên gia nhận định, việc gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen rất cần thiết bởi thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.
Phân tích mới nhất của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp LHQ (FAO) chỉ ra rằng giá ngũ cốc toàn cầu đã giảm gần 20% trong 12 tháng qua. Trong tháng 4 vừa qua, giá lúa mì trên thế giới đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7-2021. Kết quả này có được một phần nhờ việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraine và số lượng lớn hàng sẵn có để xuất khẩu ở Nga và các địa điểm khác.
LÂM ANH