Theo Nghệ nhân Nhân dân Thanh Tuyết, các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian tại các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa đến các kênh truyền hình trong thời gian qua đã góp phần nâng cao sự cảm thụ, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật của người dân trong cuộc sống.
Lòng tự hào dân tộc
Khán giả tại TP HCM cũng như khách du lịch rất thích thú với những chương trình nghệ thuật dân gian được dàn dựng công phu, hấp dẫn như chương trình đờn ca tài tử Nam Bộ “Trên bến dưới thuyền” ở quận 8 và huyện Bình Chánh; chương trình “Giới thiệu bài bản mới, ca khúc địa phương” (tại huyện Nhà Bè). Ngoài ra còn có chương trình “Giới thiệu nhạc cụ dân tộc và nghệ thuật cải lương” (do Trường Đại học FPT TP HCM và Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp thực hiện), chương trình “Sân khấu học đường – giới thiệu trích đoạn sử Việt” (CLB Sân khấu Lạc Long Quân), chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử và dân ca (tại quận Bình Thạnh)… đã tạo nên những điểm giao lưu nghệ thuật dân gian hấp dẫn, điểm đến thường xuyên của nhiều khán giả, trong đó có không ít khán giả trẻ.
Biểu diễn đờn ca tài tử tại Khu Du lịch Bình Quới, TP HCM .(Ảnh: XUÂN LỘC)
Đầu tháng 9 vừa qua, chương trình tọa đàm với chủ đề “Phát huy vai trò của nghệ thuật dân gian trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam hiện nay” do HTV tổ chức cũng đã nhận được sự phản hồi tích cực của dư luận xã hội. Các nghệ nhân, tài tử đờn và ca nổi tiếng của TP HCM đã nêu lên những kiến nghị nhằm góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của văn hóa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật dân gian nói riêng.
Các nghệ nhân uy tín của TP HCM đã nhận định: Văn học dân gian, trong đó có hình thức biểu diễn của nghệ thuật sân khấu, là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân – thiện – mỹ của con người.
Nghệ nhân Nhân dân Thanh Tuyết cho rằng: “Nghệ thuật dân gian khi được đưa lên sân khấu biểu diễn, những vấn đề đạo đức xã hội được chuyển tải bằng yếu tố thẩm mỹ thông qua lời ca, câu thơ và các nhân vật góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách”.
Cần cơ chế đặc thù cho nghệ thuật dân gian
Theo những người trong cuộc, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong việc xây dựng hình tượng mới về con người hiện đại, trong nghệ thuật dân gian vẫn còn không ít vấn đề chưa được giải quyết một cách có hệ thống. Hiện nghệ thuật dân gian vẫn thiếu một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, có bản lĩnh chuyển tải những băn khoăn của thời đại vào những bài bản dân ca, đờn ca tài tử Nam Bộ.
Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh trăn trở: Nghệ thuật dân gian hiện chưa có nhiều tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc họa tính cách tiêu biểu của con người hôm nay của thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hóa phát triển. “Cần nhiều sáng tác ở các thể loại như: ví giặm, dân ca, ca Huế, bài bản mới của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ… nhằm lan tỏa giá trị tinh thần cao đẹp trong đời sống cộng đồng, vinh danh những thành tựu đạt được của nghệ thuật dân gian” – Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh đề xuất.
Các nghệ nhân cũng cho rằng đời sống nghệ thuật dân gian hiện nay vẫn còn thiếu những người làm công tác lý luận phê bình chuyên nghiệp, đáng lưu tâm là cơ chế thị trường một mặt giúp cho đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật dân gian nói riêng năng động hơn, nhưng cũng làm cho đội ngũ này phân hóa mạnh mẽ.
Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ cho rằng nhà nước cần sớm ban hành các cơ chế đặc thù cho nghệ thuật dân gian, trong đó có công tác tổ chức biểu diễn, quảng bá những tác phẩm mới. Có chiến lược đặt hàng sáng tác những tác phẩm nghệ thuật dân gian có chiều sâu để có những tác phẩm nghệ thuật dân gian đỉnh cao phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng.
“Thường xuyên tổ chức các liên hoan, cuộc thi để nâng cao trình độ biểu diễn cho các nghệ nhân dân gian, qua đó trao đổi học tập kinh nghiệm, không ngừng nâng cao trình độ biểu diễn và trau dồi đạo đức nghề nghiệp để tạo sự phát triển bền vững của đội ngũ làm nghệ thuật dân gian tại TP HCM” – Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ nhấn mạnh.
NSND Trần Minh Ngọc góp ý: “Cần chú trọng các hoạt động giao lưu với khán giả, đặc biệt là học sinh, sinh viên để khán giả trẻ hiểu những giá trị nhân văn của tác phẩm nghệ thuật dân gian, để ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Song song đó là kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca; tác giả; họa sĩ; nhạc sĩ; đạo diễn; biên đạo… nhằm góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật dân gian”.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/no-luc-dua-nghe-thuat-dan-gian-vao-doi-song-2023090522013232.htm