Trong hai ngày cuối của chiến dịch tranh cử, cả hai ứng viên tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump đều dành thời gian ở các bang “chiến địa” để tiếp tục thuyết phục những cử tri chưa quyết định chọn ai.
Trong ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử là ngày 4.11 (theo giờ Mỹ), ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, Phó tổng thống Kamala Harris và ứng viên phía đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump đều ở bang “chiến địa” Pennsylvania, nơi mà cả hai chiến dịch luôn coi là bang quyết định thắng bại của cuộc bầu cử năm 2024, theo tờ The New York Times. Ngày 3.11, cả hai ứng viên cũng đã tiếp tục vận động tranh cử tại một số bang “chiến địa”.
“Chúng ta đang có động lực”
Bà Harris đã dành cả ngày 3.11 ở bang “chiến địa” Michigan. Theo đó, bà Harris đã thăm một nhà thờ của những người da màu tại TP.Detroit vào sáng 3.11, thúc giục người Mỹ nhìn xa hơn ông Trump, theo AFP. “Chúng ta hãy lật sang trang mới và viết chương tiếp theo cho lịch sử của chúng ta”, bà Harris kêu gọi.
Bầu cử Mỹ: Harris-Trump khác biệt lập trường ra sao về các vấn đề trong nước?
Bà Harris thăm nhà thờ nói trên trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump đã thu hút sự ủng hộ từ một số cử tri da màu vốn thường bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Theo một cuộc thăm dò của New York Times/Siena College được công bố ngày 3.11, bà Harris đang trong cuộc đua sít sao với ông Trump tại Michigan.
Đến tối 3.11, bà Harris có bài phát biểu trước khoảng 6.000 người tại Đại học bang Michigan, hứa sẽ chấm dứt xung đột Hamas-Israel ở Dải Gaza, giữa lúc cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập gồm 200.000 người ở Michigan đã lên án cách Washington xử lý cuộc xung đột đó, theo AFP.
“Là tổng thống, tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để chấm dứt xung đột ở Gaza. Và để đảm bảo quyền được tôn trọng, tự do và an ninh cho người Palestine”, bà Harris nhấn mạnh khi bắt đầu bài phát biểu.
Tuy nhiên, phần còn lại của bài phát biểu mang tính lạc quan, khi bà Harris dành nhiều thời gian hơn để thúc giục mọi người ra ngoài bỏ phiếu hơn là công kích ông Trump. Bà nhấn mạnh rằng đây là “một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta và chúng ta đang có động lực. Động lực đó đứng về phía chúng ta”.
Sẽ có chiến thắng áp đảo ?
Trong khi đó, ông Trump dành cả ngày 3.11 để vận động tranh cử tại 3 bang “chiến địa” khác, gồm Pennsylvania, Bắc Carolina và Georgia. Tại cuộc vận động tranh cử ở thị trấn Lititz thuộc bang Pennsylvania, ông Trump chỉ trích đảng Dân chủ là “ác quỷ” và nói rằng ông sẽ không bận tâm nếu các phóng viên bị bắn, theo Reuters. Ông còn nói rằng ông đáng lẽ không nên rời khỏi Nhà Trắng vào năm 2021 sau khi ông không chấp nhận mình thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Ông Trump nói “lẽ ra không nên” rời Nhà Trắng dù thất cử năm 2020
Sau đó, trong một bài phát biểu tại TP.Kinston thuộc bang Bắc Carolina, ông Trump nói rằng “vào thứ ba (5.11), chúng ta sẽ có một chiến thắng áp đảo quá lớn đến mức không thể bị thay đổi”. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy kết quả có khả năng sẽ rất sít sao. Đài NBC News ngày 3.11 công bố kết quả thăm dò toàn quốc dựa trên 1.000 cử tri đã đăng ký, chỉ ra ông Trump và bà Harris đều nhận được 49% ủng hộ.
Tính đến ngày 3.11 đã có hơn 78 triệu người Mỹ bỏ phiếu trước ngày bầu cử chính thức 5.11, theo Reuters dẫn số liệu từ Phòng thí nghiệm bầu cử của Đại học Florida (Mỹ). Con số này gần bằng phân nửa của tổng cộng 160 triệu phiếu bầu được bỏ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Sau khi việc bỏ phiếu chính thức vào ngày 5.11 kết thúc, tùy thuộc vào mức độ sít sao của cuộc đua, người chiến thắng có thể sẽ được tuyên bố trong tối cùng ngày, vào sáng hôm sau, vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau, theo BBC.
Ông Clinton bảo vệ lựa chọn của ông Bush
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN được đăng ngày 3.11, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã bảo vệ lựa chọn của cựu Tổng thống George W.Bush là không đóng vai trò tích cực hơn trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 và không nêu rõ ông ủng hộ ai làm ứng viên tổng thống. “Trước hết, tôi nghĩ ông ấy đã lên tiếng nhiều hơn những gì ông ấy được ghi nhận”, ông Clinton nói.
Ông Clinton còn nói rằng ông Bush thực sự muốn thoát khỏi chính trường. Ông Clinton cho biết thêm ông nghĩ ông Bush muốn làm rõ niềm tin của mình mà không muốn tạo khoảng cách quá xa với đảng Cộng hòa.
Sau khi đọc bình luận trên của cựu Tổng thống Clinton, một người gần gũi với cựu Tổng thống Bush nói với CNN rằng ông Bush “thực sự đã rời xa chính trường tổng thống, nhưng ông ấy đã làm việc một cách thầm lặng và siêng năng để giữ Thượng viện trong tầm kiểm soát của đảng Cộng hòa”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/no-luc-cuoi-cung-cua-cap-dau-harris-trump-185241104222332597.htm