Mỗi năm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đón hơn 2 triệu lượt du khách ghé thăm. Trong đó, có hơn 60.000 lượt khách nước ngoài chủ yếu đến từ các nước: Lào, Anh, Pháp, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Tất cả mọi người đến đây để bày tỏ lòng biết ơn, ngưỡng mộ một con người vĩ đại, một tấm gương đạo đức cao cả, một cuộc sống trong sáng, giản dị, thấm hồn dân tộc, một nhân cách yêu nước thương nòi.
Để đáp lại những tình cảm đó, cán bộ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên nói chung và cán bộ trực tiếp làm công tác thuyết minh nói riêng luôn nỗ lực hết sức để tiếp đón, phục vụ khách tham quan. Đặc biệt, các cán bộ thuyết minh luôn có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, yêu nghề, trách nhiệm với công việc, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, du khách.
Những câu chuyện kể của các cán bộ thuyết minh với chất giọng Nghệ đầm ấm, sâu lắng đã gợi nhớ về hình ảnh của một vĩ nhân, để lòng kính yêu Bác mãi lan tỏa. Đặc biệt, đến đây những du khách quốc tế sẽ được nghe thuyết minh về thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tình cảm của Bác đối với quê hương,… bằng tiếng Lào, Anh, Pháp mà không cần sử dụng đến người phiên dịch.
Theo đó, năm 2019, để đáp ứng được nhu cầu truyền tải thông tin đến du khách nước ngoài, đội ngũ thuyết minh đã đề xuất ban Quản lý Khu di tích tạo điều kiện học tiếng Anh nhằm phục vụ cho công việc. Mặc dù kinh phí eo hẹp nhưng lãnh đạo Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đã mời giáo viên về tổ chức dạy ngoại ngữ cho đội ngũ thuyết minh.
Tuy nhiên, học và thuyết minh bằng ngoại ngữ là một thử thách lớn bởi đa số những người này đã lớn tuổi. Hơn thế nữa những nữ thuyết minh đa số họ đều học chuyên ngành Văn, Lịch sử nên để bắt đầu học lại tiếng Anh cực kỳ khó khăn.
Gắn bó với công việc thuyết minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên 14 năm, chị Phạm Thị Oanh luôn cảm nhận được sự gần gũi, hơi ấm của Bác còn vương bên những mái nhà tranh, nơi Bác đã sinh ra và sống những tháng ngày thời niên thiếu. Mỗi đoàn khách đến tham quan, bằng chất giọng của mình, chị lại truyền hơi ấm, tình yêu bao la của Bác đến đồng bào trên mọi miền Tổ quốc. Không những vậy chị và những người thuyết minh còn muốn truyền tải những câu chuyện, tình cảm đó đến với du khách nước ngoài bằng tiếng bản địa của họ. Theo chị Oanh, biết là học ngoại ngữ ở độ tuổi này rất khó, nhưng đội ngũ thuyết minh luôn động viên nhau cố gắng học tập để hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ mới của mình.
“Bắt đầu học ngoại ngữ khi tuổi đã cao, thời gian học eo hẹp nên ai trong đội ngũ thuyết minh cũng thấy áp lực. Lúc đầu, chúng tôi được tiếp xúc với giáo viên Việt Nam, sau đó, mới chuyển sang học giáo viên nước ngoài. Trải qua quá trình học, chúng tôi nhận ra rằng, học trên ghế nhà trường nó khác xa với những kiến thức người bản xứ dạy. Thậm chí có những từ phải tập đi tập lại mới nói được. Khó nhất vẫn là luyện âm và học từ chuyên ngành. Bởi những từ chuyên ngành về di tích gắn liền với các hiện vật trưng bày khi dịch trong từ điển còn nhiều tranh cãi. Vì thực tiễn công việc, vì tự trọng nghề nghiệp nên chị em chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng”, chị Oanh tâm sự.
Để hoàn thiện hơn kỹ năng nói tiếng Anh, những nữ thuyết minh tranh thủ học. Học khi thời gian nghỉ tại chỗ, học lúc rảnh rỗi, học khi nấu ăn, đêm về tranh thủ học. Mọi người tự học, tự thuyết minh cho nhau nghe và uốn nắn sửa cho nhau. Thậm chí, có những khách Tây đến thăm quan, những nữ thuyết minh tranh thủ trò chuyện để hoàn thiện mình trong giao tiếp.
Sau hơn 5 tháng vừa học vừa thực hành, trình độ ngoại ngữ của các thuyết minh viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Sau đó, đội ngũ thuyết minh còn mạnh dạn đề xuất học thêm lớp tiếng Lào, bởi lượng du khách Lào đến thăm quan quê Bác chiếm tỉ lệ khá cao. So với tiếng Anh, Pháp, tiếng Lào rất khó học nhưng các cán bộ thuyết minh đã nỗ lực hết mình, tranh thủ mọi thời gian vừa làm việc, vừa học tập nâng cao nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Chị Nguyễn Thị Thanh, 40 tuổi, là một trong những nữ thuyết minh nói tiếng Lào khá chuẩn. Theo người phụ nữ này, ở độ 40 để học thêm được một ngoại ngữ là nỗ lực rất lớn. Bản thân chị luôn nâng cao tinh thần học hỏi mọi lúc mọi nơi, đặc biệt học hỏi các du khách nước bạn ở cách phát âm. Ngày đi làm, đêm tự học thêm, học tranh thủ những thời điểm vắng khách du lịch để trau dồi vốn ngôn ngữ của mình. “Mặc dù chưa tự tin lắm nhưng khi thấy sự lắng nghe, những cảm xúc thể hiện qua ánh mắt, những giọt nước mắt rơi trên má đầy xúc động của du khách là nguồn động viên lớn lao cho tôi và đồng nghiệp. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng trau dồi và học tập thêm nữa để phục vụ du khách tốt hơn”, chị Thanh tâm sự.
Đối với những nữ thuyết minh nơi đây, trau dồi thêm ngoại ngữ không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà đó còn là sự cụ thể hóa việc học tập và làm theo Bác – một tấm gương lớn về việc học và tự học ngoại ngữ. Theo ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Quốc gia Kim Liên, đến nay, nhiều thuyết minh viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu khi thuyết minh cho du khách quốc tế bằng ngoại ngữ. Trong số 17 thuyết minh viên tại Khu di tích, có 2 người có thể thuyết minh được bằng cả tiếng Anh và tiếng Lào, 1 người thuyết minh bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, 7 người thuyết minh được tiếng Lào.
Hà Hằng – Minh Tâm
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/no-luc-cua-nhung-nguoi-ke-chuyen-ve-bac-ho-cho-ca-the-gioi-a664166.html