Cuba vừa tuyên phạt 203 công nhân viên chức với các mức án 2-22 năm tù vì tội tham ô, hối lộ, làm giả tài liệu, trộm cắp và làm hư hỏng tài liệu, con dấu hoặc tài sản công.
Theo nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, những người bị kết án là thành viên của một số công ty nhà nước trong ngành thực phẩm, ẩm thực và thuốc lá ở thủ đô La Habana và đã “gây tổn thất hàng triệu USD” cho nước này thông qua nhiều thủ đoạn khác nhau.
Theo báo Granma, cùng với án tù, cơ quan chức năng đã áp dụng 383 biện pháp kỷ luật, với 95% trong số đó là đuổi việc. Gần đây, truyền thông Nhà nước Cuba thường xuyên nhấn mạnh quan điểm cứng rắn chống tội phạm và nạn tham nhũng. Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel cũng đề nghị các công tố viên không khoan nhượng đối với những hành vi tham nhũng ở “các trạng thái và cấp độ khác nhau” bởi các hành vi này “làm xói mòn nền tảng đạo đức của xã hội”.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Tổng Kiểm toán Nhà nước Cuba Gladys Bejarano, Cuba đã phê chuẩn Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc, cam kết ngăn chặn và đối đầu với tham nhũng. Bà Bejarano nhấn mạnh, không thể khao khát xây dựng xã hội tốt hơn, đất nước tốt hơn hoặc hình thành những con người tốt, nếu các biện pháp chống tham nhũng không được áp dụng hiệu quả. Bà khẳng định, Cuba kiên quyết buộc quan chức và nhà quản lý phải là tấm gương, hành vi của họ phải góp phần tích cực vào việc hình thành một xã hội mà Cuba xây dựng và mong muốn cho các thế hệ sau.
Cũng theo người đứng đầu ngành kiểm toán Cuba, có những trường hợp tham nhũng vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Đó là lý do tại sao Cuba dành sự quan tâm đặc biệt đến hợp tác quốc tế và ký kết các hiệp định song phương về hỗ trợ lẫn nhau, cũng như với các tổ chức quốc tế có liên quan. Vì vậy, Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc là công cụ ràng buộc pháp lý phổ quát duy nhất để chống lại loại tội phạm này và được hầu hết quốc gia thành viên Liên hợp quốc công nhận.
KHÁNH MINH