Giao dịch khách hàng tại chi nhánh Agribank.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế tính đến hết tháng 6 tăng khoảng 6% so với đầu năm, đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, tín dụng đã đạt mức ấn tượng trong tháng 6 vừa qua với mức tăng 3,6%. Tính chung từ đầu năm đến nay, hơn 810.000 tỷ đồng đã được đưa vào nền kinh tế.
Đồng hành cùng doanh nghiệp vươn xa
Trong những ngày cuối tháng 6, Đoàn công tác của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Đồng Tháp và chứng kiến sự hối hả sản xuất để kịp hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Artex Đồng Tháp. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước. Mỗi năm, doanh nghiệp này xuất khẩu các sản phẩm từ lục bình như thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa,… sang các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản, Pháp,… thu về khoảng 6 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Đại diện lãnh đạo công ty chia sẻ, chính nhờ có thêm nguồn vốn từ Agribank hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu hàng tiểu thủ công mỹ nghệ cho nên sức sản xuất và bán hàng của công ty mạnh và chuyên nghiệp hơn. “Ngân hàng không những đồng hành mà luôn đáp ứng kịp thời vốn lưu động để chúng tôi thu mua nguyên liệu, trả tiền ngay cho người dân ngay sau khi nhận hàng về, giúp công ty có thể dự trữ được nguyên liệu, dự trữ bán thành phẩm, từ đó chủ động trong quá trình sản xuất và không bị phụ thuộc vào thời tiết nắng, mưa”, lãnh đạo của doanh nghiệp này cho hay.
Tương tự, hơn 20 năm gắn bó với nghề cũng là hơn 20 năm doanh nhân Bùi Thị Mão – Giám đốc Công ty TNHH chè Hoài Trung (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) gắn bó với Ngân hàng Agribank. Bà Mão chia sẻ, từ một cơ sở sản xuất chè cá nhân mang tên Mão Hợi tại một nơi xa trung tâm huyện, nay doanh nghiệp của bà đã trở thành công ty có dây chuyền sản xuất khép kín với công suất lớn, tạo công ăn việc làm cũng như nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Điểm nhấn của doanh nghiệp là năm 2023, sản phẩm chè Đinh cao cấp Hoài Trung đã đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Theo bà Mão, ngay từ những ngày đầu tiên thành lập doanh nghiệp, bà đã vay vốn từ Agribank Thanh Ba với số tiền chỉ vài triệu đồng, sau đó là vài chục triệu đồng. Đến nay, dư nợ của doanh nghiệp tại Agribank Thanh Ba đã lên tới 10 tỷ đồng, và được duy trì trong suốt 10 năm qua. Không chỉ cung cấp nguồn vốn ưu đãi, ngân hàng còn đồng hành trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác cũng như tư vấn doanh nghiệp sử dụng đồng vốn an toàn, hiệu quả.
Tăng tốc mở rộng tín dụng
Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã nỗ lực đẩy mạnh vốn ra thị trường. Bên cạnh việc có nhiều gói tín dụng ưu đãi, các ngân hàng cũng tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận và giải ngân vốn. Phó Trưởng ban khách hàng cá nhân Agribank Chu Ngọc Quý cho biết, từ đầu năm 2024, Agribank đã chủ động, linh hoạt cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung cho ba động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và ưu tiên 5 lĩnh vực mũi nhọn bao gồm: xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.
Đáng chú ý, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 150.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng vốn.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát, ngân hàng này cũng đang nỗ lực để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp từ đầu năm 2024 là 16%. Ông Phát nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp từ nay đến cuối năm và các ngân hàng sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ lãi suất cho vay. Đại diện lãnh đạo LPBank cho biết, hiện ngân hàng này đang triển khai chương trình “Gắn kết dài lâu-Giảm sâu lãi suất” với tổng hạn mức chương trình lên đến 4.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay áp dụng linh hoạt cho từng phân khúc khách hàng. Cụ thể, phân khúc khách hàng doanh nghiệp tầm trung trở lên chỉ từ 6,5%/năm, phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ từ 6,8%/năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay được cố định trong suốt thời gian vay, kỳ hạn vay vốn lên đến 12 tháng.
Mặc dù vậy, nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng chia sẻ, trên thực tế ngay từ đầu năm các ngân hàng đều đã cắt giảm lãi suất, đẩy vốn tín dụng ra nền kinh tế. Tuy nhiên, để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, ngoài câu chuyện giảm lãi suất cần có chiến lược kích cầu trên quy mô cả nước để tất cả các thành phần kinh tế cùng tham gia. Đơn cử như để khơi thông vốn cho thị trường bất động sản, vấn đề mấu chốt là tiếp tục gỡ khó về pháp lý cho các dự án, chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện giảm lãi suất.
Theo nhìn nhận của Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, ngân hàng cũng đang rất cần những giải pháp vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và Vietcombank sẵn sàng giải ngân cho các dự án, nhất là dự án trọng điểm quốc gia. Mới đây nhất, Vietcombank đã đứng ra thu xếp thành công 1,8 tỷ USD cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Trong đó, Vietcombank tài trợ một tỷ USD, VietinBank tài trợ 450 triệu USD và BIDV tài trợ 350 triệu USD.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, hoạt động hỗ trợ nền kinh tế đã được ngành ngân hàng triển khai rất quyết liệt với nhiều chương trình ưu tiên, ưu đãi. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hệ thống các ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều chương trình tín dụng, vừa khuyến khích, vừa tạo động lực cho doanh nghiệp tập trung phát triển các lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử như gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, gói 30.000 tỷ đồng cho vay thủy sản, lâm nghiệp,… Tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng đi lên, cho thấy các chính sách giảm thuế, phí và nhất là các gói ưu đãi với mặt bằng lãi suất cho vay thấp của các ngân hàng thương mại đã phát huy hiệu quả.
Nhiều tổ chức kinh tế kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, giúp thúc đẩy nhu cầu cho vay và nền kinh tế phục hồi. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm được Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo ở mức 12-13%. Đồng thời, những động lực tăng trưởng tín dụng là hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, thị trường bất động sản đã qua thời kỳ khó khăn nhất và bắt đầu hồi phục rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2024 sẽ kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà. Công ty chứng khoán MB (MBS) cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% vào năm 2024 với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 6,3%-6,5%, trong đó, lĩnh vực tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô-tô sẽ có nhu cầu tín dụng cao hơn nhờ lãi suất cho vay thấp và doanh số bán lẻ phục hồi.
Nguồn: https://nhandan.vn/no-luc-bom-von-ra-nen-kinh-te-post819108.html