(GLO)-Dưới tác động của một loạt thách thức chồng chéo, mức nợ của chính phủ tính theo tỷ trọng GDP tăng ở hơn 100 quốc gia đang phát triển. Ðể đạt mục tiêu phát triển bền vững, Liên hợp quốc kêu gọi thế giới cùng tìm ra các giải pháp đa phương mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công mà các nước đang phát triển phải đối mặt.
Nợ công thế giới quý 1 tăng gần 305 tỷ USD. Ảnh minh họa: Shuterstock |
Tờ South China Morning Post ngày 18/5 dẫn báo cáo của Viện Tài chính quốc tế (IIF – Mỹ) cho thấy nợ toàn cầu trong quý 1 năm nay tăng lên gần 305.000 tỉ USD, trong đó các thị trường mới nổi gánh khoản nợ kỷ lục.
Trong quý 1, nợ toàn cầu tăng thêm 8.300 tỉ USD so với thời điểm cuối năm 2022, lên mức 304.900 tỉ USD. Hiện nợ toàn cầu cao hơn 45.000 tỉ USD so với thời điểm trước trước đại dịch Covid-19, dự kiến còn tiếp tục tăng. Tỷ lệ nợ trên GDP đạt kỷ lục 360% vào năm 2021 và sau đó ổn định ở mức 335%, cao hơn so với thời điểm trước đại dịch.
Các chuyên gia IIF cho rằng dân số già hóa và chi phí y tế gia tăng tiếp tục gây áp lực chi tiêu đối với các nước, trong khi “căng thẳng địa chính trị dâng cao cũng khiến chi tiêu quốc phòng trung hạn tăng thêm”.
Đáng chú ý, báo cáo cho thấy 75% các thị trường mới nổi chứng kiến sự gia tăng mức nợ tính theo đồng USD trong quý 1, với con số tổng thể lần đầu tiên vượt 100.000 tỉ USD. Mức nợ 100.700 tỉ USD, tương đương 250% GDP, tăng so với mức 75.000 tỉ USD vào năm 2019. Dữ liệu cho thấy Trung Quốc, Mexico, Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ có mức tăng nhiều nhất.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt, lạm phát và khủng hoảng tài chính,… nợ nước ngoài của các nước nghèo tăng rất mạnh trong 10 năm qua. Hai năm gần đây, một số nước phải tuyên bố vỡ nợ, trong đó, các quốc gia châu Phi như Nigeria, Mali và Burkina Faso đã mất tới 20 năm phát triển. Tình trạng vỡ nợ đẩy các nước vào vòng xoáy của bạo lực chính trị và bất ổn xã hội, do thiếu các dịch vụ thiết yếu, điều kiện an ninh, y tế, giáo dục cơ bản không được bảo đảm.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hối thúc các nước giải quyết các vấn đề liên quan khoảng cách ngày càng lớn giữa các nước giàu và nước nghèo, thay đổi cục diện đa phương và tạo ra một cấu trúc nợ phù hợp bối cảnh thế giới hiện nay. UNDP cảnh báo, nếu không có các biện pháp khẩn cấp, nhiều quốc gia sẽ đối mặt tình trạng nợ nần và vỡ nợ, không thể đầu tư vào các dự án chống đói nghèo, chuyển đổi năng lượng, giảm biến đổi khí hậu và như vậy, mục tiêu cùng phát triển bền vững của thế giới khó có thể thực hiện.