Bà Trần Kim Huệ (con gái bà Trần Thị Duyên) cho hay NNND đã trải qua nhiều thăng trầm để gìn giữ, phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Bà Duyên cũng là người đã kiên trì thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ngay cả khi tín ngưỡng này bị coi là mê tín dị đoan và di tích Phủ Dày còn xơ xác chứ không như bây giờ. “Cả cuộc đời mẹ tôi đã dành nhiều tâm sức cho việc gìn giữ, trao truyền những giá trị của di sản tín ngưỡng thờ Mẫu”, bà Huệ chia sẻ.
Theo hồ sơ nghệ nhân lưu tại Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), NNND Trần Thị Duyên (còn gọi là Bà Đức) sinh năm 1930, quê quán xã Kim Thái, H.Vụ Bản, Nam Định. Bà am hiểu và thực hành thành thạo di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Đồng thời, bà cũng nắm giữ nhiều kỹ năng, tri thức, lai lịch công trạng của các vị thánh, thực hành nhuần nhuyễn các vấn hầu trong thực hành tín ngưỡng.
Năm 1946, bà Trần Thị Duyên theo cụ đồng Trần Thị Duyệt học thực hành nghi lễ tại Phủ Tiên Hương – Phủ Dày. Năm 1975, bà thụ pháp làm thầy (trình đồng mở phủ) thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Từ năm 1975 – 2017, bà làm Thủ từ Đền Tiên Linh, thủ nhang tại Phủ Tiên Hương – Phủ Dày.
Cũng theo hồ sơ nghệ nhân, năm 2014, bà Trần Thị Duyên tham gia thực hành, hỗ trợ công tác xây dựng hồ sơ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trình UNESCO. Bà đã truyền dạy việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cho nhiều thế hệ học trò. Trong đó, 3 học trò tiêu biểu của bà Duyên là các bà: Trần Thị Huệ, Trần Thị Lan và Vũ Thanh Bình.
Hồ sơ còn cho biết khi lấy ý kiến về việc bà được nhận danh hiệu NNND, cộng đồng cư dân và phiếu bầu của hội đồng cấp tỉnh đều đạt đồng thuận 100%.
Năm 2022, bà Trần Thị Duyên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNND. Bà cũng từng được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhì và Huân chương Kháng chiến hạng ba.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nnnd-tran-thi-duyen-cua-phu-day-qua-doi-o-tuoi-95-185240228234322595.htm