Hiện nay, nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang và sắp vào vụ thu hoạch chính như vải, thanh long, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ… Do sản lượng lớn mà thời gian thu hoạch lại ngắn, không ít mặt hàng gặp phải trở ngại nhất định về tiêu thụ, cần sớm cập nhật thông tin và có các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường.
Trước tình hình đó, Bộ Công thương vừa tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ” nhằm giúp các địa phương, doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Áp lực tiêu thụ vào chính vụ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1%. Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Rau quả là hàng hóa có tính chất mùa vụ cao. Đây là các sản phẩm có thời gian bảo quản rất ngắn.
Sau khi thu hoạch, rau quả vẫn không ngừng chuyển hóa để tiếp tục quá trình sinh trưởng tự nhiên, nếu không được xử lý kịp thời, không có công nghệ bảo quản, kho lưu trữ thích hợp và không có nơi tiêu thụ thì sẽ hư hỏng, gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên hiện nay, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ thu hoạch, bảo quản, lưu trữ của các địa phương và doanh nghiệp vẫn còn yếu và thiếu. Do đó, áp lực về thị trường tiêu thụ là rất lớn.
Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đóng hàng xuất khẩu thanh long. (Ảnh THANH PHONG)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1%.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết: Năm 2024, dự báo sản lượng vải thiều toàn tỉnh đạt gần 100.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều từ ngày 20/5, kết thúc vào cuối tháng 7/2024.
Ngay từ đầu năm, được sự hỗ trợ của các cục, vụ thuộc Bộ Công thương, tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; các bộ, ngành Trung ương, địa phương, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh việc trao đổi, thúc đẩy hợp tác với chính quyền, cơ quan chức năng, doanh nghiệp của các nước, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)…; thường xuyên liên hệ với các chợ đầu mối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn trong nước để kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Đến nay trên địa bàn tỉnh, việc thu hoạch, tiêu thụ đang bắt đầu diễn ra rất sôi động; giá bán vải thiều dao động từ 25.000 đến 70.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Thuận, nông sản mùa vụ tập trung vào trái thanh long. Sản lượng thanh long mùa vụ từ tháng 6 đến tháng 9 ước đạt khoảng 170.000 tấn. Những tháng đầu năm 2024, nhu cầu tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu lớn nên giá thanh long tăng, có thời điểm giá thu mua tại vườn từ 20.000-21.000 đồng/kg cho nên nông dân có lãi. Tuy nhiên, dự báo giá thanh long sẽ giảm khi vào vụ chính và trùng thời điểm thu hoạch của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Bình Thuận và cả Việt Nam, tuy nhiên Trung Quốc cũng có diện tích trồng thanh long tương đương với Việt Nam và đang tiếp tục phát triển mở rộng, tập trung ở các tỉnh giáp với Việt Nam như: Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam… và có mùa vụ thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11, không chênh lệch nhiều so với thời điểm thu hoạch chính vụ của thanh long Bình Thuận.
Vườn bưởi da xanh xuất khẩu của Hợp tác xã Dân Tiến (ấp Thiềng Liềng, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). (Ảnh Mỹ Hà)
Đây cũng là thời vụ thu hoạch của các loại trái cây Trung Quốc như: Cam, quýt, táo, lê, nho… nên vào thời gian này, thanh long Bình Thuận phải cạnh tranh với cả thanh long và các loại trái cây Trung Quốc. Do đó, việc tiêu thụ thường bị chậm, giá cả có xu hướng giảm; trong tương lai việc tiêu thụ sẽ còn khó khăn hơn. Trong khi đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường châu Âu, khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á… vẫn còn chậm do các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu gia công hoặc bán thanh long cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu.
Điều tiết lượng sản phẩm và mở cửa thị trường
Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, hiện các khó khăn, vướng mắc hằng năm về xuất khẩu vải do ùn tắc cục bộ tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn và cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai đã từng bước được tháo gỡ. Tỉnh cũng đang tiếp tục triển khai các bước để thực hiện chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang Mỹ được thực hiện tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bắc Giang kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều sang các thị trường quốc tế khác.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận Biện Tấn Tài cho rằng, để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng thị trường Trung Quốc thì cần nghiên cứu để giảm bớt tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp như rải vụ, trái vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và nâng cao lợi nhuận.
Đối với các thị trường xa thì đầu tư nhiều hơn cho công nghệ sau thu hoạch, máy móc thiết bị, phương tiện thu hoạch, bảo quản, vận chuyển phù hợp với các sản phẩm rau quả để giảm bớt tỷ lệ hư hỏng; đầu tư kho chứa công nghệ cao để lưu trữ rau quả lâu hơn nhằm điều tiết lượng sản phẩm tham gia thị trường khi vào chính vụ hoặc khi gặp khó khăn về tiêu thụ; khuyến khích đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản để giảm tỷ trọng xuất tươi, xuất thô…
Theo Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng, so với các nước xuất khẩu sang Mỹ, hàng nông sản mùa vụ xuất khẩu của Việt Nam gặp một số khó khăn, thách thức như: Thời gian thu hoạch ngắn, sản phẩm tươi mau hỏng; khoảng cách địa lý xa làm phát sinh thời gian và chi phí vận chuyển; cạnh tranh từ các thị trường Nam Mỹ, châu Á có cùng sản phẩm; công nghệ bảo quản còn hạn chế, sản phẩm qua quá trình chiếu xạ bị thay đổi nhiệt độ nên không giữ được chất lượng ban đầu, độ tươi ngon giảm nhiều sau khi hàng cập cảng; quy mô sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, khó đáp ứng được số lượng và yêu cầu từ nhà nhập khẩu.
Do đó, để đưa các sản phẩm vào Mỹ thì cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ theo hướng bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp để có thể tiêu thụ quanh năm; ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây, thí dụ công nghệ đưa trái cây vào trạng thái ngủ đông, bảo quản tế bào sống, sử dụng chế phẩm sinh học, màng bọc, chất bảo quản được phép… Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản, đồng bộ, có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ; xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á…
Theo nhandan.vn