Với mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản Ninh Thuận đến các nước Hồi giáo cũng như những nơi có cộng đồng người Hồi giáo sinh sống, hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực xây dựng HALAL (chứng nhận cho sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo). Không chỉ giúp DN phát triển theo hướng đa quốc gia, tăng doanh thu và lợi nhuận, đây cũng là điều kiện giúp người lao động (NLĐ) trong tỉnh ổn định việc làm với thu nhập tốt hơn.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt thuộc Tập đoàn GC Food ở Khu công nghiệp Thành Hải (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) là một trong những DN tiên phong trong xây dựng và áp dụng HALAL để đưa hàng hóa vào thị trường Hồi giáo, đồng thời cũng là DN đầu tiên của tỉnh có sản phẩm đạt chứng nhận HALAL. Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc công ty cho biết: HALAL được coi là chìa khóa để mở cánh cửa vào thị trường Hồi giáo. Người Hồi giáo chỉ tin và được phép sử dụng các sản phẩm có chứng nhận HALAL. Vì vậy, muốn hàng hóa vào được thị trường tiềm năng này, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt, nguồn nguyên liệu an toàn, cho đến các khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản… đều phải theo tiêu chuẩn HALAL. Đến nay, đã có 11 sản phẩm thạch nha đam của công ty đạt chứng nhận này xuất khẩu đến một số quốc gia như: Malaysia, Indonesia, Iran, Iraq, Jordan, Kazahstan, Uzbekistan với tỷ trọng doanh thu chiếm 5-8% và sẵn sàng tiếp cận đến nhiều quốc gia khác của thị trường Hồi giáo. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm công ty xuất khẩu sang các nước Trung Đông hơn 170 tấn sản phẩm nha đam các loại. Các sản phẩm nha đam đạt chuẩn HALAL của công ty cũng đang được trưng bày tại Phòng trưng bày sản phẩm của Đại sứ quán Việt Nam tại Doha, Qatar.
Người lao động đóng gói các sản phẩm thịt dê, cừu của Công ty TNHH Nhật Thành Food. Ảnh: M.Thương
Ðể đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường Hồi giáo, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương rà soát bố trí quỹ đất quy hoạch dự án cơ sở giết mổ gia súc tập trung cho Công ty TNHH Nhật Thành Food tại thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), hướng tới xuất khẩu thịt dê, cừu theo tiêu chuẩn HALAL sang thị trường các nước Trung Đông, Hồi giáo. Mới đây, tại buổi làm việc với Công ty TNHH Nhật Thành Food để nghe báo cáo giải quyết vướng mắc liên quan đến dự án cơ sở giết mổ gia súc tập trung của công ty, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Ninh Thuận có ngành chăn nuôi dê, cừu phát triển từ rất sớm, là vùng nuôi lớn nhất nước với tổng đàn dê, cừu hơn 220.000 con, sản lượng thịt hằng năm vào khoảng 4.000 tấn. Thịt dê, cừu là một trong những sản phẩm đặc thù của tỉnh, cần phải xây dựng thương hiệu không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Tỉnh ta có vị trí địa lý thuận lợi, gần với các thị trường HALAL lớn như Malaysia, Indonesia… do đó, phát triển các sản phẩm HALAL là một trong những định hướng của tỉnh.
Ông Trần Nguyễn Khắc Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Nhật Thành Food cho biết: Với sản phẩm thịt dê, cừu, công ty có năng lực cung ứng và khả năng bao tiêu đầu ra trong nước, có nhà máy chế biến thịt cừu, dê, bò theo hình thức tập trung với kho đông lạnh âm 40 độ, đã nằm trong quy hoạch tỉnh đến năm 2030. Đối với thịt cừu, công ty đã kết nối và được đối tác Brunei rất quan tâm, mong muốn hợp tác. Để định hướng xuất khẩu trên cơ sở đề án đã được tỉnh phê duyệt, công ty đang xây dựng quy trình giết mổ HALAL, đây là quy trình để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước Hồi giáo ở vùng Tây Á.
Giải quyết việc làm cho người lao động
Cũng theo ông Trần Nguyễn Khắc Huy, để xây dựng và đạt chứng nhận HALAL, DN phải rà soát, hoàn chỉnh từ khâu nông trại tới bàn ăn, đảm bảo không vi phạm điều cấm nào trong toàn bộ quy trình. Không chỉ liên quan đến nguyên liệu của sản phẩm mà còn bao gồm toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển, trong đó NLĐ là yếu tố quan trọng. Đối với quy trình HALAL, người giết mổ thịt dê, cừu phải là người Hồi giáo, trong khi đó vị trí công ty gần với cộng đồng người Chăm Bà Ni, Chăm Islam nên thuận lợi trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực này. Xây dựng thành công HALAL không chỉ giúp DN phát triển mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận NLĐ là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Người lao động làm việc tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt.
Bà Lương Thị Mỹ Nữ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt cho biết: Ngay từ những ngày đầu xây dựng HALAL, lãnh đạo công ty đã trao đổi, bàn bạc với công đoàn. Hiểu được lợi ích của HALAL trong quá trình phát triển của công ty và đảm bảo việc làm, tiền lương cho NLĐ, công đoàn đã tích cực tuyên truyền để NLĐ nắm rõ yêu cầu và sẵn sàng đồng hành với công ty trong từng quy trình sản xuất, chế biến, tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của HALAL. Nhờ đó, việc sản xuất, kinh doanh của công ty luôn ổn định và phát triển, duy trì việc làm ổn định cho hơn 350 công nhân với mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Chị Phan Thị Thanh Thúy, NLĐ tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt phấn khởi chia sẻ: Công ty xây dựng và áp dụng HALAL nên chúng tôi làm việc cũng chuyên nghiệp hơn. Mỗi người đều thấy rõ trách nhiệm của mình để xây dựng công ty phát triển. Chúng tôi rất vui mừng và tự hào khi các sản phẩm của mình làm ra được xuất khẩu đi nhiều nơi. Đó cũng là điều kiện để chúng tôi có việc làm ổn định và thu nhập khá tốt ngay cả trong thời điểm dịch bệnh vừa qua.
Minh Thương
Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/150582p1c25/xay-dung-halal-xuat-khau-hang-hoa-ninh-thuan-den-cac-nuoc-hoi-giao.htm