Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm, điểm sáng là làm tốt công tác tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, phối hợp triển khai các mô hình sản xuất mới có hiệu quả.
Theo của TTKN tỉnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức 17 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản cho nông dân với 870 lượt người tham gia, đạt 174% kế hoạch (KH). Nhờ tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới, nông dân trên toàn tỉnh đã đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. Hưởng ứng “Tháng cao điểm vì người nghèo” năm 2023, ngay từ đầu năm Trung tâm đã phối hợp với địa phương, đơn vị liên quan nhận đỡ đầu 4 hộ nghèo ở 2 thôn Mỹ Hiệp và Nha Húi, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), đồng thời tổ chức 1 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cây đậu xanh, hỗ trợ giống bắp lai Thịnh Vượng 9999 với số lượng 32 kg cho 4 hộ nhận đỡ đầu. Vụ đông – xuân năm 2022-2023, có 4 hộ được nhận đỡ đầu gồm: Bây Thị Bi, Trần Ngấm, Nguyễn Xuân Việt, Nguyễn Thị Thơ đã xuống giống 0,8 ha đậu xanh và 0,8 ha bắp. Đến nay, đậu xanh đã thu hoạch xong, năng suất trung bình đạt 450 kg/ha, còn bắp đang ở thời kỳ chín trái, chuẩn bị thu hoạch.
Mô hình trồng chanh không hạt của nông trại Ngọc Hiển ở xã Lương Sơn (Ninh Sơn)
cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.Lâm
Công tác triển khai các chương trình, dự án cũng được quan tâm thực hiện, tạo chuyển biến tích cực. Từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, Trung tâm triển khai 6 dự án, mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đơn cử, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ thích ứng với biến đổi khí hậu” thực hiện tại xã Xuân Hải (Ninh Hải) với quy mô 9 ha bước đầu có hiệu quả, 45 hộ tham gia dự án sản xuất được 60 tấn thức ăn gia súc. Một số dự án, nhiệm vụ như: “Xây dựng mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc”, “Hỗ trợ vật tư thiết yếu thực hiện cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo” đang xúc tiến triển khai sẽ thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Công tác nhân rộng các mô hình chuyển giao khoa học – kỹ thuật thực hiện theo hướng tập trung ưu tiên các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù của tỉnh. Trong số 5 mô hình nhân rộng có hiệu quả, đáng kể là mô hình nuôi cá bớp thương phẩm bằng lồng HDPE; máy dò ngang trên tàu cá đã triển khai có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế biển.
Đến nay, 6 chỉ tiêu chủ yếu Trung tâm đăng ký thi đua năm 2023 đã có 3 chỉ tiêu đạt và vượt KH. Cụ thể, chỉ tiêu tập huấn kỹ thuật cho nông dân đạt 176% KH; chỉ tiêu nhân rộng các mô hình hiệu quả đạt 100% KH; chỉ tiêu nhân rộng mô hình mới đạt 100% KH. Các chỉ tiêu còn lại: Tư vấn hỗ trợ các địa phương thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng; Tổ chức san phẳng mặt ruộng bằng tia laser; Thực hiện chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết doanh nghiệp để hỗ trợ sản xuất đạt từ 20-42% KH. Trung tâm đã phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đề ra giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu còn lại.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc TTKN tỉnh, cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, 6 tháng cuối năm, đơn vị tập trung phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng với các địa phương thực hiện chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai mô hình khai san phẳng mặt ruộng; tổ chức tập huấn, hỗ trợ vật tư; theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật cho các mô hình, chương trình, dự án đang triển khai. Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thí điểm mô hình chuỗi giá trị dê, cừu để hướng đến xuất khẩu.
Anh Tùng