LTS: Ngày 2/1, Tổ chuyên đề xây dựng Đảng – Tiểu ban Nội dung Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XV tổ chức Hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện” nhằm đánh giá kết quả công tác xây dựng Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; xác định những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đề ra giải pháp, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Qua đó góp phần xây dựng, hoàn thiện báo cáo xây dựng Đảng phục vụ báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030 đảm bảo toàn điện, khách quan, trung thực tình hình, kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đồng thời, tiếp thu những quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, để đề ra phương phướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cho nhiệm kỳ 2025-2030, chú ý các nhiệm vụ, giải pháp đột phá với tầm nhìn dài hạn. Báo Ninh Thuận giới thiệu đến bạn đọc nội dung tham luận của đồng chí Đào Trọng Định, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy tại hội thảo chuyên đề.
Đồng chí Đào Trọng Định, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy. Ảnh: P.Bình
Kính thưa các đồng chí chủ trì Hội nghị và các đồng chí đại biểu !
Được sự cho phép của chủ trì Hội nghị, Tôi xin trình bày tham luận về nội dung “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; bảo đảm an ninh kinh tế, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống đồng bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, được tăng cường; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm; công tác phát hiện, điều tra, truy tố xét xử đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, nổi bật nhất là từ khi có Ban chỉ đạo PCTNTC tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, tập trung, thống nhất có hiệu quả các vụ án, vụ việc về tham nhũng, tiêu cực tạo sự đồng tình, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị, kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý và cấp ủy viên các cấp được quan tâm thực hiện chặt chẽ, kịp thời, gắn với luân chuyển, đào tạo; sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, vẫn còn những khó khăn, thách thức: ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế kéo dài cộng với hạn hán, bão, lụt diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp chậm; công tác tự kiểm tra phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ các cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu; an ninh trật tự vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch lợi dụng mạng Internet để kích động hoạt động chống đối, tác động xấu trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, nổi lên là: lợi dụng các vấn đề “tự do dân chủ, nhân quyền”, các vụ việc khiếu nại trong thu hồi bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội, những tranh chấp trong Nhân dân, những mâu thuẫn nhỏ, lẻ giữa người Kinh và người Chăm, ô nhiễm môi trường, những thiếu sót của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, thông qua các trang mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc nói xấu Đảng, Nhà nước;… làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Kính thưa các đồng chí đại biểu!
Nhằm triển khai có hiệu quả pháp luật về PCTN,LP,TC; các quy định, quan điểm mới về PCTN,LP,TC, kết luận của BCĐ Trung ương về PCTNTC và tư tưởng về PCTNTC của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; trong nhiệm kỳ qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với các cấp ủy, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đầy đủ, có hiệu quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp; tại Hội nghị hôm nay, Tôi xin đánh giá sâu, làm rõ thêm một số nội dung cốt lõi, đồng thời đề ra một số nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới, đó là:
– Xác định lấy phòng ngừa là giải pháp cốt lõi để đấu tranh phòng, ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, Ban Thường vụ tăng cường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTNTC, nhất là các quy định, quan điểm mới của đảng về PCTNTC nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức: toàn tỉnh đã tổ chức 528 lớp cho hơn 30.780 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là đã tổ chức 02 hội nghị trực tiếp, kết hợp trực tuyến từ Tỉnh đến cấp xã quán triệt cho hơn 4500 lượt cán bộ, đảng viên, công chức nghiên cứu tư tưởng của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn với triển khai thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác: cán bộ (Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023); kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (Quy định 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023); hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (Quy định 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023); công tác xây dựng pháp luật (Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024); trong công tác quản lý sử dụng tài chính, tài sản công (Quy định 189-QĐ/TW) và kế hoạch thực hiện Quy định 183-QĐ/TW về bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Riêng Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với các cấp ủy Đảng tổ chức 18 lớp tập huấn, tuyên truyền công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho 1.617 lượt cán bộ, đảng viên, công chức các cơ quan, đơn vị, địa phương.
– Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, kiểm soát chặt chẽ hoạt động công vụ nhằm loại bỏ điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên các lĩnh vực, nhất là “Tham nhũng vặt”: Thường xuyên chỉ đạo rà soát, cập nhật và ban hành các văn bản cụ thể hóa các quan điểm, chính sách pháp luật mới của Đảng và Nhà nước về công tác PCTNTC; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp ủy địa phương nhằm kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục, xử lý những tồn tại hạn chế, trong đó chú trọng kiểm tra việc triển khai các nhóm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính; chỉ đạo tập trung công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý; thực hiện sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền; kịp thời khắc phục những sơ hở gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian giải quyết, nhờ đó, chỉ số năng lục cạnh tranh (CPI) năm 2023 tỉnh Ninh Thuận đạt 69,10 điểm, tăng 3,67 điểm và tăng 19 bậc so với năm 2022, tăng 38 bậc so với năm 2021, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 02/14 tỉnh, thành phố duyên hải Miền Trung; chỉ số PAPI của tỉnh năm 2022 đạt 46.0002 điểm (cao hơn trung bình cả nước 3.7625 điểm), thuộc nhóm tỉnh cao nhất, xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố, trong 08 trục nội dung của Chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh có 07 trục nội dung thuộc nhóm tỉnh cao nhất ((1)Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (2)Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; (3) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (4) Thủ tục hành chính công; (5) Cung ứng dịch vụ công; (6) Quản trị môi trường; (7) Quản trị điện tử) và 01 trục nội dung thuộc nhóm tỉnh trung bình cao (trách nhiệm giải trình với người dân).
Đặc biệt là, ngay sau khi có chủ trương thành lập BCĐ PCTNTC cấp tỉnh; Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập BCĐ PCTNTC tỉnh; đến nay, hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã đi vào nền nếp, có hiệu quả: kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình công tác và ban hành kế hoạch công tác hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung rà soát, lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh xử lý, giải quyết 15 vụ án, vụ việc về tham nhũng, tiêu cực thuộc diện BCĐ PCTNTC Trung ương, tỉnh theo dõi, chỉ đạo, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh.
– Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động đề xuất đưa vào Chương trình công tác hàng năm của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát công tác PCTNTC trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là: Thành lập các Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kết luận của Thanh tra Chính phủ, bộ, ngành, địa phương hàng năm; qua kiểm tra, đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh chỉ đạo khắc phục kịp thời, có kết quả các tồn tại, hạn chế, vi phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các Ban, Bộ, ngành Trung ương; tổ chức kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định pháp luật về đấu thầu, đấu giá tài sản trong các lĩnh vực: mua sắm tài sản công và bán đấu giá tài sản Nhà nước trên địa bàn tỉnh;;…
– Thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tham mưu, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời cho chủ trương, đường lối xử lý 15 vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực thuộc diện BCĐ PCTNTC tỉnh theo dõi, chỉ đạo; 09 vụ án, vụ việc diện Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo.
Kính thưa Hội nghị!
Để hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thời gian tới theo yêu cầu của Trung ương và trong tình hình mới và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tôi đề nghị đưa vào Văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ tới một số nội dung trọng tâm để BCH lãnh đạo, chỉ đạo đó là:
Một là, Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương về PCTN,LP,TC, đặc biệt là các quy định, quan điểm mới của Ban Bí thư, Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023), trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (Quy định 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023), trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (Quy định 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023); trong công tác xây dựng pháp luật (Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024),…triển khai thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo phương châm của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm “trở thành việc làm “tự giác”, “tự nguyện”, “như cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày”; khuyến khích cán bộ, đảng viên, Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở theo phương châm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải từ cơ sở, từ chi bộ.
Hai là, Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với giáo dục liêm chính, trọng liêm sĩ, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về tư tưởng của cố tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về PCTNTC và tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc;…
Ba là, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân trực tiếp tham gia phòng chống tham nhũng, phản ánh, tố giác tham nhũng, tiêu cực, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tiếp công dân, đối thoại với công dân, tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề, nội dung mà Nhân dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, nhất là những vấn đề, nội dung liên quan đến đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Đề án 06 ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp để phục vụ cho người dân tốt nhất.
Bốn là, Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra nội bộ, kiểm soát chặt chẽ công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu. Đặc biệt là lãnh đạo, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm, công tác kiểm tra, thanh tra trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: tài chính, quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản, đấu thầu mua sắm tài sản, quản lý và sử dụng tài sản công, hợp tác công – tư, xã hội hóa, giải quyết các chính sách xã hội để sớm phát hiện, theo dõi, chỉ đạo xử lý đúng quy định của Đảng và pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Năm là, Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh theo dõi, chỉ đạo và Ban Chỉ đạo Trung ương giao. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,LP,TC.
Sáu là, Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh PCTNTC. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giám định, định giá tài sản đối với các vụ án, vụ việc xảy ra tại địa phương; chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực.
Bảy là, thực hiện tốt, nền nếp, thường xuyên công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; rút ra bài học kinh nghiệm quý để tiếp tục vận dụng hiệu quả trong tình hình mới. Qua tổng kết thực tiễn, các cơ quan chức năng có thể rút ra kinh nghiệm quý, mô hình hay, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc cho việc xây dựng, hình thành và bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.
Đào Trọng Định, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy
Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/151186p24c161/tham-luan-cua-truong-ban-noi-chinh-tinh-uy-tai-hoi-thao-chuyen-de-day-manh-xay-dung-dang-bo-tinh-ninh-thuan-trong-sach-vung-manh-toan-dien.htm