Các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp. Ảnh: Văn Nỷ
Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tại phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Lê Công Bình, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 12 đặt vấn đề: Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2024 dư địa tăng trưởng từ các ngành năng lượng, du lịch, công nghiệp, nhất là một số ngành hàng công nghiệp chủ lực gặp khó khăn, phục hồi chậm do tác động kinh tế thế giới. Đề nghị các cấp, ngành chức năng làm rõ cơ sở, các yếu tố dư địa, kịch bản tăng trưởng, các giải pháp chủ yếu, cốt lõi để đạt được chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năm 2024, tiến tới mục tiêu cho cả giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu Lê Công Bình chất vấn tại kỳ họp thứ 19. Ảnh: U.Thu
Giải trình về vấn đề này, đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trên cơ sở đánh giá các yếu tố khó khăn, thuận lợi và khả năng các ngành còn dư địa cho tăng trưởng, UBND tỉnh xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1: Dự báo khả năng tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm tăng 11,12%, tính chung cho cả năm là 9,7%. Đây là kịch bản được xây dựng trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, đồng thời tập trung thúc đẩy tăng trưởng các ngành còn tạo dư địa phát triển. Kịch bản 2: Phấn đấu tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm tăng khoảng 13,55%, tính chung cả năm tăng 11,01%. Đây là kịch bản phấn đấu cao, tập trung đột phá thúc đẩy đầu tư góp phần tăng giá trị ngành xây dựng; ngành công nghiệp chế biến chế tạo; đột phá khai thác lợi thế tuyến đường cao tốc Bắc – Nam để thúc đẩy các ngành khác phát triển như: Du lịch, tiêu dùng, sản xuất, đầu tư…
Đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình tại kỳ họp. Ảnh: Văn Nỷ
Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 7 đặt vấn đề: Việc triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải chủ động, kịp thời thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp. Trong đó, cần bám sát, phối hợp các bộ, ngành trung ương cập nhật, bổ sung các dự án năng lượng, đường dây, hạ tầng truyền tải vào kế hoạch để có cơ sở pháp lý kêu gọi đầu tư, triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, rà soát, cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng bảo đảm thống nhất với quy hoạch điện lực nhằm đảm bảo Quy hoạch điện VIII được thực hiện theo tiến độ đã phê duyệt.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải chất vấn tại kỳ họp thứ 19. Ảnh: U.Thu
Giải trình về vấn đề này, đồng chí Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Công Thương đã khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII. Trong đó, đã xác định các nhóm dự án trọng điểm quốc gia và nhóm dự án của địa phương để có giải pháp phát triển phù hợp.
Đồng chí Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương giải trình tại kỳ họp. Ảnh: Văn Nỷ
Liên quan đến các vấn đề xã hội, đại biểu Lê Kim Hiệp, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 8 phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải vùng ven biển. Để góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường vùng ven biển, ngoài việc tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, cần tăng cường biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Đồng quan điểm với đại biểu Lê Kim Hiệp, đại biểu Nguyễn Phan Anh Quốc, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 11 kiến nghị cần đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tham mưu để tỉnh thực hiện đạt mục tiêu “xanh, sạch, đẹp” theo nghị quyết của Tỉnh ủy.
Đại biểu Lê Kim Hiệp chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Văn Nỷ
Giải trình về vấn đề này, đồng chí Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về xây dựng Ninh Thuận “xanh, sạch, đẹp”, thời gian đến, sở sẽ tăng cường phối hợp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cân đối và bố trí đủ kinh phí từ ngân sách và tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các cơ chế, chính sách ở mức ưu đãi để đầu tư, hỗ trợ cao nhất việc phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa, thu gom, xử lý nước thải đô thị, rác thải sinh hoạt, hệ thống công trình công cộng. Đối với công tác vệ sinh môi trường vùng biển, sở tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, chỉ đạo thực hiện việc phân loại rác tại nguồn; đồng thời, kiến nghị các địa phương có biển, các vườn quốc gia, các cơ sở kinh doanh du lịch, lữ hành, khách sạn… rà soát, bố trí các tổ vệ sinh thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các khu vực thường xuyên tồn đọng rác thải và tại các khu, điểm du lịch, dọc theo đường ven biển.
Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình tại kỳ họp. Ảnh: Văn Nỷ
Ngoài ra, một số đại biểu khác đặt ra các vấn đề về tai nạn thương tích trẻ em; giải ngân nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chuyển đổi số trong thực hiện bảo hiểm y tế. Các vấn đề được lãnh đạo các cấp, ngành chức năng giải trình cụ thể.
Sau phiên thảo luận tập trung tại hội trường, các đại biểu họp phiên chất vấn và nghe trả lời chất vấn của Giám đốc Sở VH,TT&DL và Giám đốc Sở NN&PTNT.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Phạm Bảo Ngọc, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 9 đặt câu hỏi: Ngành chức năng đề ra giải pháp như thế nào để khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên từ các di sản phi vật thể, kho dự trữ sinh quyển thế giới, các di tích quốc gia… góp phần đưa du lịch của tỉnh đúng với tên gọi “Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”?
Đại biểu Nguyễn Phạm Bảo Ngọc chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: U.Thu
Trả lời câu hỏi của đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Thời gian qua, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án và các chương trình, kế hoạch hằng năm để phát huy giá trị và khai thác lợi thế của các nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch. Trong thời gian tới, sở tiếp tục nghiên cứu tham mưu lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích quốc gia, đặc biệt là tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai; tham mưu Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm cũng như các di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh. Tiếp tục phối hợp đôn đốc các dự án như: Khu du lịch Hoàn Cầu, Khu du lịch sinh thái Bãi Hõm, Khu du lịch Cap Padaran Mũi Dinh, Resort Spa Nho, Khu du lịch Bình Tiên,… nhằm sớm đưa các dự án vào hoạt động, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu lưu trú, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm của du khách.
Đại biểu La Thoại Như Trang, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 11 chất vấn: Đến nay đã gần hết thời gian thực hiện Nghị quyết số 13/2022NQ-HĐND ngày 22/7/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2022-2025, nhưng các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn, giải ngân đạt thấp. Ngành chức năng có giải pháp gì để triển khai thực hiện nghị quyết một cách hiệu quả?
Đại biểu La Thoại Như Trang chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Văn Nỷ
Trả lời câu hỏi của đại biểu, đồng chí Giám đốc Sở VH,TT&DL, cho biết: Việc thực hiện Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó vướng mắc lớn nhất là nguồn kinh phí đòi hỏi người được hưởng thụ phải có vốn đối ứng và chỉ được hỗ trợ sau khi các tổ chức, cá nhân hoàn thành công trình 100%. Nhiều tổ chức, cá nhân còn gặp nhiều khó khăn, chưa có vốn đối ứng khi triển khai thực hiện. Vì vậy, thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh nghị quyết theo hướng ngân sách nhà nước phải ứng vốn trước cho người dân, đồng hành cùng người dân, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển du lịch cộng đồng, khai thác, phát huy nét đặc trưng riêng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thu hút du khách.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VH,TT&DL trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Văn Nỷ
Chất vấn Sở NN&PTNT, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 7 đặt vấn đề: Từ năm 2017 đến nay, HĐND tỉnh đã thông qua 14 nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 14 dự án/58,7796ha. Đến nay, vẫn còn 2 dự án/17,71ha chưa hoàn thành các thủ tục chuyển mục đích và 7 dự án/5,6291ha chưa chuyển đổi hết diện tích sử dụng rừng. Ngành chức năng có giải pháp gì để thực hiện hiệu quả nghị quyết của HĐND tỉnh?
Trả lời về vấn đề này, đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Do một số dự án tuy có diện tích rừng trồng nhỏ nhưng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ do đó phải trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương; ngoài ra còn có vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục từ trung ương nên việc thực hiện nghị quyết chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Để khắc phục, sở sẽ tham mưu cho tỉnh kiến nghị các bộ, ngành trung ương liên quan sớm điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, yêu cầu các chủ đầu tư dự án trong quá trình thiết kế xây dựng công trình phải khảo sát kỹ.
Đại biểu Lê Kim Hiệp, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 8 đặt câu hỏi: Việc nạo vét khơi thông luồng lạch thời gian qua gặp nhiều khó khăn vướng mắc về nguồn lực, thủ tục triển khai, chồng chéo quy định pháp luật trong xã hội hóa nạo vét, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đi lại, đánh bắt, bức xúc trong ngư dân. Ngành chức năng có giải pháp đảm bảo khắc phục như thế nào?
Về vấn đề này, đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Những năm qua, sở tham mưu cho UBND tỉnh kêu gọi thực hiện nạo vét luồng lạch tại cảng cá theo hình thức xã hội hóa kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét. Tuy nhiên, khối lượng nạo vét chưa đạt yêu cầu theo hồ sơ thiết kế, ảnh hưởng đến việc lưu thông, tiếp nhận, neo đậu tàu thuyền. Do vậy, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về việc triển khai dự án nạo vét các cảng cá theo hình thức xã hội hóa kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét. Đến nay, luồng lạch cảng cá Đông Hải đang được Công ty Phương Thảo Nguyên thực hiện nạo vét; hồ sơ nạo vét luồng cảng cá Ninh Chữ đang trình Sở Kế hoạch và Đầu tư phương án lựa chọn nhà đầu tư; cảng cá Cà Ná được Ban Quản lý các dự án đầu tư NN&PTNT thực hiện dự án khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Văn Nỷ
Ngoài ra, một số đại biểu còn chất vấn giám đốc các sở nhiều vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng; khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư hạ tầng đê kè chống sạt lở và sắp xếp các khu dân cư ven biển, ven sông, suối, khu vực sạt lở; giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước cục bộ, an toàn hồ đập, ứng phó mưa bão những tháng cuối năm 2024…
Phát biểu kết luận các phiên thảo luận về KT-XH, chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu. Yêu cầu UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2026 theo nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, chỉ đạo rà soát bổ sung giải pháp để thực hiện các kịch bản phát triển 6 tháng cuối năm với tinh thần quyết liệt và quyết tâm cao nhất, phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP năm 2024 là 11,5% để tiến đến 11-12% cả nhiệm kỳ.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Văn Nỷ
Trong đó, chú trọng thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá, 6 ngành lĩnh vực trọng tâm mà nghị quyết đề ra. Khẩn trương tham mưu HĐND tỉnh ban hành các chính sách, cụ thể hóa các quyết định theo thẩm quyền thực hiện Luật Đất đai, Luật Bất động sản, Luật Nhà ở có hiệu lực. Chú trọng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng Ninh Thuận “xanh, sạch, đẹp”. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đối với các vấn đề tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn mà các đại biểu đặt ra, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành VH,TT&DL, NN&PTNT xây dựng kế hoạch khắc phục, tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác lãnh đạo, quản lý điều hành, đưa du lịch và nông nghiệp phát triển đúng tiềm năng, lợi thế, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.
Uyên Thu
Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/148118p24c32/soi-noi-phien-thao-luan-chat-van-va-tra-loi-chat-van.htm