Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 24/10, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án Luật này.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận tán thành cao với nội dung báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Công đoàn (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự án luật trình ra Quốc hội kỳ này được chuẩn bị rất công phu. Để tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể dự án luật Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề xuất một số ý kiến:
Thứ nhất, về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn (Điều 27): Tại khoản 2 dự án luật có quy định: “ 2. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương. Tuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm”.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận tham gia góp ý Luật Công đoàn (sửa đổi).
Đề nghị cần rà soát quy định cụ thể về quy mô tổ chức, số lượng cán bộ công đoàn không chuyên trách đối với từng loại tổ chức công đoàn tránh gây gánh nặng cho đối tượng sử dụng lao động; cần nghiên cứu bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện nội dung này” để đảm bảo việc thực hiện giảm giờ làm việc cho cán bộ công đoàn không chuyên trách được thống nhất.
Thứ 2, quy định về Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, Điều 31, tán thành với việc không quy định cụ thể các phương án phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, như vậy là phù hợp, tuy nhiên cũng cần nghiên cứu quy định đảm bảo cơ chế để thực hiện nội dung này, cụ thể về nguyên tắc phân chia, thẩm quyền phân chia, do cơ quan, đối tượng nào thực hiện. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị việc phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp thì cần quy định cụ thể là giao cho Tổng Liên đoàn Lao động quy định, như thực tiễn từ trước đến nay công đoàn vẫn đang làm, đảm bảo tính linh hoạt trong công tác quản lý, tùy nhiệm vụ của từng cấp công đoàn và tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn Tổng Liên đoàn phân phối kinh phí công đoàn phù hợp, bảo đảm quyền tự quyết công việc nội bộ của công đoàn theo thông lệ quốc tế.
Đối với việc phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, cần nghiên cứu quy định cụ thể giao cho Chính phủ hoặc Tổng liên đoàn căn cứ vào số thành viên của tổ chức/ tổng số lao động trong doanh nghiệp để thực hiện.
Tiếp theo, tại khoản 4, điều 31 dự thảo luật quy định: “ 4. Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn”. Cần rà soát, xem xét thêm quy định này. Liệu có làm tăng thêm thủ tục trong triển khai, tổ chức thực hiện hay không ? Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn, từ trước đến nay việc này do tổ chức công đoàn tự chủ thực hiện, Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn hiện hành cũng đang trao quyền tự chủ cho tổ chức đoàn trên cơ sở vận dụng định mức, chế độ do Nhà nước quy định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý trong hệ thống tổ chức công đoàn (được quy định tại điểm a, khoản 2 điều 12). Đồng thời, qua kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tài chính công đoàn, báo cáo tổng kết thực tiễn 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012 cũng không thấy có vướng mắc gì trong vấn đề này. Nên cần nghiên cứu quy định phân quyền thẳng cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc này.
Theo báo cáo, khi tham gia ý kiến đối với dự án luật Công đoàn sửa đổi, Chính phủ cũng đã có văn bản số 563/ CP-PL ngày 27/9/2024 của Chính phủ về việc tham gia ý kiến đối với dự án luật Công đoàn sửa đổi, Chính phủ cũng cho rằng: “việc thống nhất với Chính phủ về tất cả các tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu đối với các nhiệm vụ chi là cần được cân nhắc về tính phù hợp, khả thi”, nên cần xem xét thêm quy định này.
Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề xuất cần phân quyền, giao quyền cho Tổ chức, giao cho Tổng Liên đoàn tự quyết thì Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình; như vậy là tin tưởng và tôn trọng quyền tự chủ của tổ chức công đoàn theo thông lệ Quốc tế. Chính phủ không can thiệp vào hoạt động của Công đoàn; đây là tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản nước ta cam kết thực hiện.
Để công tác tài chính công đoàn được thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật, trong triển khai thực hiện cần tăng cường công tác Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn được quy định cụ thể tại điều Điều 33 Dự thảo luật.
Xuân Bính
Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/149994p24c34/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-cong-doan-sua-doi.htm