Nhìn lại năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn song với sự quyết tâm, nỗ lực của Sở Công Thương, doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại – dịch vụ (TM-DV) đã có nhiều khởi sắc, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều điểm kinh doanh, trung tâm thương mại quy mô tương đối lớn như: Trung tâm thương mại Vincom, siêu thị Co.opmart Thanh Hà, siêu thị Winmart, chợ Phan Rang, chợ Tháp Chàm, Điện máy Xanh Ninh Thuận, Thế giới di động, siêu thị điện máy Chợ Lớn, hệ thống các cửa hàng tiện lợi: Bách hóa Xanh, Winmart… cơ bản phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận khu vực nông thôn. Với sự phát triển mạnh, đúng hướng của các loại hình kinh doanh đã góp phần tạo thành mạng lưới thương mại đồng bộ, thúc đẩy hoạt động giao thương phát triển và tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại siêu thị WinMart. Ảnh: P.N
Trong năm, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng được các DN thương mại tích cực triển khai. Theo Sở Công Thương, trong các chỉ tiêu phát triển về kinh tế của tỉnh, lĩnh vực TM-DV đã có nhiều tín hiệu mang tính tích cực. Tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đều có mức tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 38.014 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 28.838,1 tỷ đồng, tăng 13,3%; doanh thu dịch vụ đạt 9.175,9 tỷ đồng, tăng 24,6%.
Bên cạnh hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử (TMĐT) cũng từng bước được hiện thực hóa, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư; các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được phổ biến, giúp các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh bắt nhịp với xu hướng chung của toàn xã hội. Trong đó, Sở Công Thương chú trọng kết nối liên thông sàn TMĐT của tỉnh với các sàn giao dịch TMĐT khác, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trên địa bàn.
Duy trì, vận hành sàn giao dịch TMĐT sanphamninhthuan.vn; hỗ trợ cơ sở, DN ứng dụng TMĐT tham gia trên sàn giao dịch TMĐT trong nước và nước ngoài để xuất khẩu sang thị trường các nước ký kết các FTA và thị trường Halal như: Alibaba, Amazon, Lazada, Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart,…; hỗ trợ cho 92 đơn vị tham gia với hơn 300 sản phẩm, trong đó 123 sản phẩm OCOP của 50 cơ sở, DN có mặt trên sàn TMĐT. Các sản phẩm trên sàn đều là những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đặc sản vùng miền, từng bước đưa hoạt động TMĐT của tỉnh hội nhập với TMĐT trong nước, quốc tế.
Để thích ứng với xu hướng phát triển chung của thị trường, siêu thị Co.opmart Thanh Hà đã đổi mới phương thức quản lý và cách thức bán hàng theo hướng hiện đại hóa. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ánh Đào, Giám đốc Siêu thị cho biết: Hiện nay, siêu thị đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý hàng hóa, chăm sóc khách hàng và kinh doanh. Khách hàng có thể sử dụng smartphone để truy xuất nguồn gốc toàn bộ sản phẩm, thanh toán không dùng tiền mặt trên các ứng dụng ngân hàng, đặc biệt là Chương trình đi chợ online qua trang mạng xã hội Facebook, Zalo hay ứng dụng Go trên điện thoại di động, giúp khách hàng mua sắm mọi lúc, mọi nơi và giao hàng tại nhà. Nhờ đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số, siêu thị đã mở rộng đối tượng khách hàng, doanh thu luôn ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với các mặt hàng thiết yếu như: Rau, quả, thịt tươi sống, đồ khô, đồ tạp hóa…
Sản phẩm OCOP của Công ty Yến sào Phan Rang Huy Anh giới thiệu đến người tiêu dùng tại Hội chợ ẩm thực năm 2023. Ảnh: V.Nỷ
Nhờ đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, thời gian qua, lĩnh vực TM-DV trên địa bàn tỉnh đã phát triển ổn định, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong phương thức, cách quản lý, vận hành và đặc biệt hơn là sự văn minh trong cách phục vụ, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, Sở Công Thương tập trung phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai các thủ tục bổ sung quy hoạch, tích hợp vào các quy hoạch để có cơ sở lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong thời gian đến. Cải tạo, sửa chữa 1 mô hình chợ an toàn thực phẩm tại xã An Hải (Ninh Phước). Phối hợp tham gia khảo sát, hướng dẫn triển khai thực hiện các thủ tục dự án đầu tư: Trung tâm thương mại GO! Ninh Thuận; chợ Quảng Sơn (Ninh Sơn), chợ Phú Quý (Ninh Phước).
Hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai có hiệu quả, phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp DN nghiên cứu thị trường và tìm kiếm khách hàng. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ cho 26 lượt đơn vị tham gia kết nối giao thương và các hội nghị tại các tỉnh như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa; tổ chức gặp gỡ, kết nối cho 31 DN của tỉnh với nhà phân phối lớn TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ các DN, đơn vị tham gia kết nối giao thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tham gia Phiên chợ cuối tuần tại An Giang…
Sản phẩm táo sấy dẻo của Cơ sở sản xuất, kinh doanh Trung Tuấn, xã Phước Thuận (Ninh Phước) được Hội đồng đánh giá sản phẩm huyện chấm điểm đạt 3 sao. Ảnh: Tiến Mạnh
Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: Thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy hoạt động TM-DV phát triển. Trong đó, tiếp tục thu hút đầu tư, khuyến khích các loại hình kinh doanh hiện đại như: Trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, TMĐT, từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quan tâm, tìm kiếm cơ hội để các sản phẩm OCOP đến rộng rãi hơn các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các DN trên địa bàn hoạt động, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, hợp tác đa dạng hơn với các đối tác bên ngoài.
Hồng Nguyệt