Ngày 5/10, tại TP. Vinh (Nghệ An), Hội Nhà báo Việt Nam khai mạc chương trình tổ chức 4 hội nghị chuyên ngành với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Hội Nhà báo 19 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Trong hai ngày (5,6/10), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức 4 hội nghị chuyên ngành, gồm: Hội nghị Tổng kết 17 năm Giải báo chí Quốc gia và tổng kết công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024; Hội nghị sơ kết 01 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương; Hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số”; Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Tại hội nghị, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến, làm rõ các kết quả nổi bật cũng như những vướng mắc trong quá trình triển khai tham dự Giải Báo chí Quốc gia hằng năm, đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng của Giải, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay cũng như đánh giá việc thực hiện Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022.
Toàn cảnh Hội Nhà báo Việt Nam khai mạc các hội nghị chuyên ngành khu vực 19 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Thực hiện phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, trong 1 năm qua, các hội nhà báo tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai thực hiện, tổ chức lễ phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua trong các cụm thi đua, chi hội, câu lạc bộ nhà báo, người làm báo trực thuộc Đồng thời, tăng cường đưa nội dung văn hóa báo chí vào các buổi sinh hoạt hội, hội nghị, hội thảo, tọa đàm; gắn xây dựng môi trường văn hóa với nội dung đào tạo, bồi dưỡng chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong “sứ mệnh của người cầm bút” với “tâm sáng, bút sắc, lòng trong”. Qua việc thực hiện phong trào thi đua, nhiều cơ quan báo chí, các cấp hội đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Nhiều cơ quan báo chí đã xác định được vấn đề nổi cộm, cấp thiết để tập trung giải quyết như: việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, kịp thời chấn chỉnh việc phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội của một số nhà báo.
Đối với việc thực hiện Quyết định số 979-QĐ/HNBVN ngày 06/4/2018 về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại các địa phương, trong 5 năm qua, hội nhà báo tỉnh, thành phố đã làm thủ tục tiếp nhận 1.021 hội viên phóng viên thường trú; chủ động phối hợp cơ quan có thẩm quyền rà soát, nắm số lượng, danh sách trích ngang của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương. Quyết định số 979-QĐ/HNBVN đã tạo thuận lợi cho hội nhà báo các địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú, tạo bước chuyển biến tích cực, đạt những kết quả rất quan trọng, góp phần hạn chế các hoạt động ngoài tầm kiểm soát cũng như kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên; thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam và xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Các đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam tham gia ủng hộ đồng bào tỉnh Nghệ An bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ vừa qua.
Tại hội nghị, đại biểu đã phân tích, làm rõ thêm các kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số”. Đại biểu cũng đề xuất các giải pháp, kiến nghị để triển khai hiệu quả hơn “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số” trong thời gian đến.
Trong chương trình hội nghị chuyên ngành diễn ra tại TP.Vinh, Hội Nhà báo Việt Nam và báo chí các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên trao ủng hộ 50 triệu đồng đến đồng bào tỉnh Nghệ An bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lụt vừa qua.
Xuân Bính