Với mục tiêu đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thời gian qua, xã An Hải (Ninh Phước) đã triển khai xây dựng vùng sản xuất rau an toàn (RAT) theo hướng ứng dụng khoa học – kỹ thuật (KHKT) và công nghệ cao (CNC) vào sản xuất. Qua đó, giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị đơn vị diện tích canh tác.
An Hải là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng có lợi thế, có giá trị kinh tế cao, với tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 2.098ha. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Hồ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: Để đưa nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng bền vững, thời gian qua xã đã tập trung vận động nông dân khai thác tiềm năng để phát triển sản xuất, nhất là các loại cây trồng có lợi thế, có giá trị kinh tế cao; quy hoạch lại vùng sản xuất RAT để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, vận động nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; triển khai các mô hình tưới nước tiết kiệm, mô hình trồng măng tây xanh.
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú liên kết với doanh nghiệp sản xuất măng tây xanh.
Đến thăm mô hình cánh đồng trồng măng tây xanh của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú mới thấy được hiệu quả kinh tế của việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX, cho biết: Trước đây, các hộ sản xuất rau theo phương thức truyền thống, năng suất đạt thấp, thu nhập bấp bênh, nhưng từ khi thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm, mô hình trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đã mang lại hiệu quả cao. Đến nay, HTX đã phát triển được 65ha măng tây xanh và áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng, thu nhập của nhiều hộ thành viên tăng so với trước đây.
Việc ứng dụng KHKT vào sản xuất RAT ở xã An Hải trong thời gian qua đã đưa sản xuất nông nghiệp của xã phát triển theo hướng bền vững. Đến nay, xã đã nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm được 260ha, với 480 hộ dân tham gia; xây dựng vùng trồng RAT với 223 hộ dân tham gia. Đồng chí Hồ Thanh Phong cho biết thêm: Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xã An Hải hình thành vùng sản xuất trồng RAT với tổng diện tích 300ha; xây dựng cánh đồng lớn sản xuất măng tây xanh với diện tích 150ha, xã tiếp tục tuyên truyền nông dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; tổ chức quy hoạch lại vùng sản xuất RAT theo hướng ứng dụng CNC. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Đàng Năng Tom, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Để thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng vùng trồng RAT trên địa bàn xã An Hải, thời gian tới, huyện tập trung mở rộng diện tích trồng măng tây xanh theo hướng ứng dụng CNC; tập trung hướng dân nông dân sản xuất theo phương thức, quy trình tiên tiến, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất RAT; hỗ trợ nông dân, HTX và các tổ hợp tác hoàn thiện phương án sản xất, kinh doanh; xây dựng mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã bao bì, mã vạch; triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ở vùng RAT; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC và thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Qua đó, góp phần đưa nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng bền vững.
Tiến Mạnh