Ngày 10.7, UBND tỉnh Ninh Thuận có báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2024.
Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến ngày 30.6.2024, có 4.492 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư 93.813 tỉ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 204 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn 1.877,6 tỉ đồng, giảm 6% số doanh nghiệp; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 10,1%; số doanh nghiệp quay lại thị trường giảm 22,2% so cùng kỳ.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tỉnh trong vùng, với các tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ khai thác hiệu quả lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 29 dự án/32.345 tỉ đồng.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, bên cạnh các kết quả đạt được về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, địa phương cũng đã nhận diện một số khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế, hoạt động doanh nghiệp. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; công tác triển khai một số công trình, dự án trọng điểm về du lịch; đô thị; cảng biển; giao thông còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ còn chậm.
Ngoài ra, tình hình doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi trong tháng 5, tháng 6 nhưng hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp quay trở lại thị trường giảm 22,2%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 10,1%; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 6%…
Từ những tồn tại này, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, nhất là liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trọng tâm là những chính sách liên quan thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, tiếp cận vốn tín dụng, đất đai; sự chồng lấn, bất cập, thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch; thủ tục hành chính; giải phóng mặt bằng…