Những năm qua, huyện Ninh Phước tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Qua đó, nâng cao giá trị mặt hàng nông sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Huyện Ninh Phước có diện tích canh tác khoảng 23.000 ha. Để góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương, huyện tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm. Ông Đàng Năng Tom, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, Phòng phối hợp với các địa phương tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, bố trí lại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo thế mạnh từng vùng, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao. Xây dựng một số mô hình sản xuất, đặc biệt là mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) có hiệu quả kinh tế, giúp nông dân tăng thu nhập.
Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên cơ sở Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh, huyện Ninh Phước xây dựng và triển khai Đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng bằng giải pháp đưa các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đến nay, đã hình thành được một số mô hình nông nghiệp CNC như: Mô hình “1 phải, 5 giảm”, mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích khoảng 4.000 ha; mô hình trồng măng tây xanh ở xã An Hải, Phước Hải; mô hình sản xuất bắp giống với diện tích 140 ha ở xã Phước Sơn, Phước Vinh; mô hình trồng nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình tưới nước tiết kiệm với diện tích 428 ha…
Cùng với đó, huyện còn triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất nông nghiệp; lồng ghép sử dụng vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, tổ chức chuyển giao khoa học – kỹ thuật, đưa nhiều giống cây mới trồng thí điểm và nhân rộng. Trong vụ đông – xuân và hè – thu 2023, toàn huyện chuyển 77 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Đơn cử, ở xã Phước Thái trước đây một số vùng canh tác thường xuyên bị thiếu nước, nên tình hình sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, xã vận động người dân chuyển một số vùng sản xuất sang trồng bắp, đậu xanh… Ông Võ Văn Tin, ở thôn Đá Trắng, cho biết: Tôi có 3 sào đất trồng lúa, hiệu quả kinh tế thấp, nhiều vụ phải ngưng sản xuất do thiếu nước. Được cán bộ xã vận động, gia đình đã chuyển sang trồng bắp liên kết với doanh nghiệp, nhờ đó có thu nhập khá hơn.
Với những giải pháp cụ thể, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện dần khắc phục được tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, nhiều sản phẩm đã gắn kết được thị trường. Qua đó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, có nhiều chuyển biến rõ nét. Để đạt được mục tiêu đưa nông nghiệp phát triển theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững, thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo vận động nhân dân tập trung nguồn lực khai thác lợi thế, tiềm năng; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp CNC. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa…
Tiến Mạnh