Vượt qua 2.545 dự án dự thi Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức, 2 dự án của phụ nữ Ninh Thuận đã được vinh danh trong ngày cả nước kỷ niệm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10), đó là: Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cấy và chế biến các sản phẩm từ tảo Spirulina” của chị Lương Thị Mai Hương, Công ty TNHH Sản xuất Trần Gia đạt giải Ba; Dự án “Ứng dụng hiệu ứng nhà kính trong hoạt động sản xuất muối nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” của chị Phạm Thị Giao Thanh, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất – Kinh doanh muối Phương Hải đạt giải Khuyến khích.
Khởi nghiệp từ tảo Spirulina
Khát khao tìm hướng đi mới, với sự ủng hộ từ gia đình, chị Lương Thị Mai Hương, ở phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) xin thôi làm nhà nước, khởi nghiệp và bước đầu thành công với mô hình nuôi trồng và chế biến các sản phẩm từ tảo Spirulina, hay còn gọi là tảo xoắn.
Chọn sản phẩm tảo Spirulina để khởi nghiệp với chị Hương cũng thật tình cơ. Sau thời gian sử dụng sản phẩm tảo có nguồn gốc từ Nhật Bản để tăng sức đề kháng trong đợt dịch COVID-19, chị Hương nhận thấy sức khỏe gia đình cải thiện rất nhiều, nên năm 2020, chị bắt tay thực hiện ngay ý tưởng nuôi trồng tảo Spirulina.
Chị Hương trải lòng: Khởi nghiệp không bao giờ dễ dàng. Với tôi cũng thế, vô số lần thất bại, không những ở giai đoạn trồng thử nghiệm mà cả khi đem ra nhân rộng. Tảo cứ nuôi rồi lại chết hết lần này đến lần khác, tôi nhiều lần bật khóc, muốn buông xuôi. Nhưng nghĩ tới giá trị nó mang lại cho sức khỏe con người và đặt ra câu hỏi tại sao người khác làm được mà mình không làm được. Vì thế chị Hương tập trung nghiên cứu tập tính sinh học của tảo, điều kiện lý hóa của nước và các chỉ số về môi trường, làm đi làm lại nhiều lần để rút kinh nghiệm. Chặng đường đi đến thành công của chị vì thế cũng kéo dài tới gần 3 năm, với bao nhiêu mồ hôi, nước mắt.
Đến nay, khu sản xuất, chế biến tảo quy mô trên 200m2 đặt tại thôn Tân Sơn 2, xã Thành Hải (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) của chị Hương cho thu hoạch mỗi tháng 80-120kg tảo tươi và chế biến thành 3 sản phẩm chính gồm: Tảo tươi nguyên chất cấp đông, tảo khô nguyên chất sấy thăng hoa và ngũ cốc tảo xoắn. Quá trình sản xuất, chế biến được giám sát kỹ lưỡng bởi đội ngũ kỹ sư nuôi trồng thủy sản và chế biến giàu kinh nghiệm.
Kiên trì, vượt qua khó khăn vươn lên tạo giá trị cho cộng đồng vừa qua, Dự án “Xây dựng mô hình nuôi trồng và chế biến các sản phẩm từ tảo Spirulina” của chị Hương vượt qua 2.545 dự án khởi nghiệp trên toàn quốc để vào vòng chung kết và giành giải Ba toàn quốc tại Cuộc thi “Phụ nữ sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Sản phẩm cũng được công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Ninh Thuận năm 2023, công nhận xếp hạng OCOP.
Nâng giá trị hạt muối gắn với thích ứng biến đổi khí hậu
Chị Phạm Thị Giao Thanh, sinh ra và lớn lên tại làng muối Phương Cựu, xã Phương Hải (Ninh Hải), nên rất thấu hiểu nghề làm muối và nguyên nhân chất lượng hạt muối ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Qua tìm hiểu, chị Thanh nhận thấy, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu từ 400-600 nghìn tấn muối để cung cấp cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế và dược liệu. Trong khi vùng nguyên liệu muối Ninh Thuận chiếm 50% tổng sản lượng muối cả nước nhưng để có muối chất lượng cao cung cấp cho các ngành này thì rất ít. Do đó, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của nghề muối, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và hạn chế nhập khẩu muối, điều đó càng thôi thúc chị tìm kiếm các giải pháp sản xuất muối theo hướng bền vững, nâng cao giá trị hạt muối, thích ứng với BĐKH.
Chị Phạm Thị Giao Thanh (bên trái) giới thiệu sản phẩm muối cao cấp phục vụ chăm sóc sức khỏe cho khách hàng. Ảnh: Anh Thi
Qua quá trình nghiên cứu thử nghiệm của Dự án “Ứng dụng hiệu ứng nhà kính trong hoạt động sản xuất muối nhằm thích ứng với BĐKH” cho thấy, sản xuất muối trong nhà kính (diện tích 200m2) vượt trội hơn vì sản lượng ước thu hoạch 15 ngày được 1,5kg/m2/ngày, mỗi lần thu hoạch được 4.500kg, trong thời gian một năm 300 ngày thu hoạch được 20 lần với sản lượng đạt 90 tấn/năm/nhà kính, cao 2 đến 3 lần so với sản xuất muối truyền thống. Đặc biệt, ngoài cung cấp muối sạch cho khách hàng, muối nhà kính tạo ra những sản phẩm khác biệt, đó là muối dùng trong y tế, dược liệu, chăm sóc sức khỏe, thị trường tiêu thụ rộng mở với tất cả các ngành trong nước và xuất khẩu (mô hình này đã được các nước như: Lào, Campuchia triển khai thực hiện, còn nước ta mới chỉ thử nghiệm tại tỉnh Bình Định với diện tích 1.000m2).
Với cách làm của mình, hiện nay sản phẩm của HTX muối Phương Hải làm ra đã có thị trường ổn định và khách hàng tiềm năng. Bên cạnh dòng muối thô nguyên liệu, thì 6 dòng sản phẩm sau muối như: Muối ớt, muối ớt sả, muối lá chanh, muối ớt lá xào dông, muối tôm và dòng muối tài lộc của HTX muối Phương Hải được người tiêu dùng đánh giá cao. Ngoài các kênh bán hàng tại chợ, siêu thị, cửa hàng OCOP, Zalo, Facebook… thì HTX còn đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, đơn cử như liên kết Công ty Cổ phần Công nghệ Muối Biển (Hà Nội) phân phối độc quyền các dòng sản phẩm cao cấp phục vụ sức khỏe, làm đẹp với giá bán 150.000 đồng/kg.
Chia sẻ về tính đổi mới sáng tạo của dự án, chị Thanh phấn khởi: Hiệu ứng nhà kính đang là vấn đề nan giải hiện nay trên toàn cầu, tác động tiêu cực cho các ngành khác, tuy nhiên chúng tôi tận dụng hiệu ứng nhà kính này để tạo ra được nhiều lợi ích trong sản xuất muối kết tinh có chất lượng. Theo đó, làm muối trong nhà kính sẽ cho hạt muối kết tinh ở dạng sạch tuyệt đối, đồng thời giúp dễ dàng kiểm soát nhiệt độ, thời gian kết tinh, chất lượng sản phẩm… để cho ra các kích cỡ hạt muối theo yêu cầu. Việc làm muối trở nên dễ dàng hơn vì tránh được tác động của thời tiết, không bị lệ thuộc vào BĐKH như hiện nay. Mô hình này hoàn toàn thân thiện với môi trường vì không có sử dụng các hóa chất, không có phát thải nhà kính ra bên ngoài môi trường. Từ vận hành các máy bơm cho đến thiết bị kỹ thuật nhà kính đều chuyển sang sử dụng điện năng lượng tái tạo. Cùng với đó, nhằm hướng đến sản xuất xanh, hạn chế tác động đến môi trường, HTX muối Phương Hải đang giảm đóng gói sản phẩm bằng bao bì ni lông, chuyển sang đóng gói sản phẩm bằng nhựa tái chế và vật liệu thân thiện với môi trường.
Thành công bước đầu của dự án, cũng như được vinh danh, nhận giải Khuyến khích tại Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, đây sẽ là tiền đề mở thêm một hướng đi mới về sản xuất, nâng cao giá trí hạt muối gắn với thích ứng BĐKH tại tỉnh Ninh Thuận. Mở ra các dòng sản phẩm muối mới đa dạng đem lại nhiều giá trị gia tăng cho hạt muối địa phương. Không chỉ nâng cao doanh thu và lợi nhuận cho bà con diêm dân, mà còn giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, đặc biệt là lao động nữ thời gian đến.
Ngọc Diệp-Anh Thi
Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/149924p25c151/niem-vui-trong-ngay-ky-niem.htm